Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng
(Chinhphu.vn) - Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 63,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 40,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 16,8%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 5,5%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 31,6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 15,5%.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 433,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 275,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng mức và tăng 11,2% (doanh thu nhiên liệu tăng 11,6%; lương thực, thực phẩm tăng 11%; xăng dầu tăng 9,8%; ô tô con tăng 9,3%; đá quý, kim loại quý tăng 9,2%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,8%; hàng hóa khác tăng 19,5%).
Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 55,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,9% và tăng 10,1% (dịch vụ lưu trú tăng 24,9%; dịch vụ ăn uống tăng 8,8%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,5% và tăng 89,7%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 91 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% và tăng 6,6%.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7 là tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sôi động, doanh thu tăng, đặc biệt là du lịch.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).
Xác định thị trường trong nước là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước, để phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Cùng với đó, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước; đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.
Minh Anh