Trà sen: Món quà tinh hoa từ làng nghề Thủ đô

07/07/2025 4:23 PM

(Chinhphu.vn) - Hoa sen từ xa xưa đã có ý nghĩa cao đẹp trong văn hóa và tôn giáo Việt Nam, đặc biệt khi được kết hợp với chè truyền thống đã tạo ra một loại thức uống thanh tao, mang nhiều ý nghĩa và giá trị.

Trà sen: Món quà tinh hoa từ làng nghề Thủ đô- Ảnh 1.

Hoa sen đang vào mùa nở rộ cũng là thời gian phù hợp để các địa phương vào vụ làm trà sen. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Để tôn vinh nghề ướp chà sen Tây Hồ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Hiện nay, việc giữ gìn làng nghề truyền thống, phát triển vùng nguyên liệu vừa tạo dựng sản phẩm vừa tạo điểm tham quan du lịch đang được các cấp các ngành tập trung triển khai.

Gia đình nghệ nhân Lưu Thị Hiền, chủ thương hiệu chè sen Hiền Xiêm là một trong những gia đình có nghề làm trà sen truyền thống lâu năm của đất Tây hồ, nay cũng đã bắt đầu vào mùa vụ mới. Theo nghệ nhân Lưu Thị Hiền, nghề làm chè sen vốn nhiều vất vả, thức khuya, dậy sớm, phải nâng giấc cho từng mẻ trà sấy bằng phương pháp thủ công, những ngày nắng nóng, ít người chịu được sức nóng trong lò sấy than củi để sấy trà, bởi vậy nhiều hộ đã bỏ nghề. Nếu không tâm huyết thì không thể theo đuổi được nghề này.

Tuy nghề nhiều vất vả nhưng bà Hiền vẫn muốn giữ nghề của gia đình, hiện tại, bà Hiền đã truyền bí quyết làm trà cho các con tiếp tục gìn giữ nghề. Theo nghệ nhân Hiền, để có sản phẩm trà ướp sen truyền thống ngon, người ướp trà phải làm theo quy trình làm trà sen rất công phu, làm trà khô phải qua 5 bước, còn ướp trà sen bông công đoạn nhẹ nhàng hơn nhưng đòi hỏi phải có bí kíp để ướp trà.

Khi sen được hái xong xếp gọn gàng nơi khô ráo, để gạo sen không bị dính nước dẫn đến ôi ủng. Gạo sen này chính là phần sẽ "dệt hương" cho thượng phẩm trà sen. Thời điểm tốt nhất để lẩy gạo sen là ngay sau khi hoa được hái lên, người làm trà sẽ tách cánh sen để lẩy gạo. Đặc biệt, quá trình này cần được làm trong bóng râm, thao tác nhanh gọn để gạo sen không bị khô và mất hương thơm.

Theo chị Đinh Thị Hiền, cơ sở sản xuất chè sen Hiền Xiêm, theo cách ướp truyền thống, công việc này đòi hỏi kỹ năng khéo léo, tỉ mỉ của người làm trà. Cứ một lớp trà rồi đến một lớp mỏng gạo sen, sau cùng phủ một lớp giấy. Để ướp được 1kg trà sen phải cần đến 1.500 đến hơn 2.000 bông hoa sen, mà hoa sen dùng để ướp trà là loại sen bách diệp trồng tại Hồ Tây - loại hoa có 100 cánh vừa được sắc, vừa được hương bởi có nhiều gạo sen, cộng với loại trà ngon, sạch, phải qua đủ 21 ngày với 7 lần vào hương gạo sen và 7 lần sấy mới có được trà sen tuyệt hảo.

Trà sen: Món quà tinh hoa từ làng nghề Thủ đô- Ảnh 2.

Sản phẩm trà sen Tây Hồ sau khi ướp được đóng gói cẩn thận và bày trí đẹp mắt. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo chị Trần Thị Thủy, Giám đốc hợp tác xã chè sen Hương Thủy, hiện nay do nhu cầu của khách hàng với nhiều lứa tuổi khác nhau, người trẻ thích uống trà sen ướp bông hay người làm trà còn gọi là ướp trà sổi, người trung niên và cao tuổi lại ưa thích cái vị vừa được hương vừa được nước của trà truyền thống. 

Trà ướp sổi sẽ được tiến hành sau khi trà được ướp một lần với gạo sen, trà được cho vào bông sen với định lượng mỗi bông khoảng 15 gram. Tuy nhiên ướp trà truyền thống dù có vất vả một nắng hai sương nhưng những người có tâm với nghề như gia đình nghệ nhân Hiền vẫn yêu thích và tự hào giữ nghề truyền thống của gia đình.

Chè sen là thức uống thanh cao và thuần khiết vì thế được rất nhiều người lựa chọn thưởng thức hay làm quà biếu thể hiện sự trân trọng. Đặc biệt, trà sen ướp bởi hoa sen Tây Hồ càng thơm ngon đặc biệt. Pha trà sen Tây Hồ cũng cần sự tinh tế, khéo léo mới có được hương và vị chuẩn nhất.

Tại quận Tây Hồ (cũ) có trên 200 hộ gia đình sản xuất trà sen truyền thống, có 40 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao là sen trà Hiền Xiêm. Địa phương vẫn tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và du lịch làng nghề trên địa bàn đồng thời, giữ gìn, lan tỏa thương hiệu sản phẩm.

Nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dấu ấn để TP. Hà Nội tiếp tục bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị sen Tây Hồ.

Thiện Tâm

Top