Trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh

24/09/2023 8:56 AM

(Chinhphu.vn) - Sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, nhiều trường học ở Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, ưu tiên các tiết học ngoại khoá nhằm tăng cường tuyên truyền, trang bị thêm cho học sinh của mình các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn khi gặp sự cố mất an toàn.

Trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh - Ảnh 1.

Giáo viên Trường Tiểu học Trần Nhật Duật hướng dẫn cho các con học sinh vị trí các thiết bị Phòng cháy chữa cháy tại lớp học. Ảnh: VGP/Minh Anh

Chương trình được nhiều học sinh và giáo viên quan tâm

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều, quận Long Biên, ngay sau lễ chào cờ đầu tuần qua, Nhà trường đã dành hơn 3 tiếng đồng hồ để các em học sinh cùng các thầy cô nhận thức được tính chất nguy hiểm, tác hại, hậu quả của cháy nổ đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; biện pháp, quy trình phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại gia đình, trường học và cộng đồng; trách nhiệm báo tin khi có sự cố cháy nổ, tai nạn xảy ra.

Trực tiếp hướng dẫn học sinh và các thầy cô giáo Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều về những kỹ năng cơ bản khi có sự cố cháy nổ xảy ra như: kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách chọn lối thoát, thao tác sử dụng một số phương tiện chữa cháy thông dụng... Đại úy Hoàng Văn Hải, Đội cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận Long Biên cho rằng việc trang bị kiến thức, kỹ năng thoát hiểm, phòng chống cháy nổ cho lứa tuổi học sinh là rất cần thiết, giúp các em biết cách tự bảo vệ an toàn cho bản thân, phòng chống tai nạn thương tích và giúp đỡ người khác khi gặp sự cố.

"Thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế như trên, Công an quận Long Biên mong muốn thông tin tuyên truyền đến các em và các thầy cô hiểu rõ hơn sự khó khăn, gian lao, hiểm nguy người lính Cảnh sát PCCC và CNCH", Đại uý Hoàng Văn Hải chia sẻ.

Còn tại Trường Tiểu học Trần Nhật Duật, thực hiện chỉ đạo của Công an Thành phố và UBND quận Hoàn Kiếm về việc tuyên truyền PCCC&CNCH, ngay trong ngày khai giảng năm học mới 2023-2024 vừa qua, các em học sinh của Trường đã cùng nhau tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Học sinh đã được các cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn vị trí các thiết bị phòng cháy chữa cháy trong lớp học như lối thoát hiểm, đèn báo cháy, đồng thời đưa ra các tình huống để các bạn học sinh nhớ những điều không nên làm gây ra hỏa hoạn.

Cô giáo Nguyễn Diệu Ánh, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, qua các buổi tuyên truyền như trên, Ban Giám hiệu Nhà trường tin chắc rằng mỗi học sinh Tiểu học Trần Nhật Duật sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH để các em có thể chủ động, linh hoạt ứng phó kịp thời với từng tình huống cụ thể. Hiện nay, Nhà trường đã trang bị đầy đủ bình cứu hỏa để đảm bảo công tác PCCC tại trường học.

Không chỉ có các quận, huyện như Hoàn Kiếm, Long Biên, Mê Linh, Sóc Sơn, Ba Đình… hiện nay, toàn bộ 100% các trường học trên địa bàn quận Hà Đông đã phối hợp với Công an quận xây dựng kế hoạch và triển khai việc tuyên truyền hướng dẫn trang bị kiến thức, kĩ năng về PCCC&CNCH cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, tập trung vào các nội dung như: thoát nạn trong môi trường khói khí độc; di chuyển nạn nhân, sơ cấp cứu ban đầu; thoát nạn từ nhà cao tầng bằng dây hạ chậm; tham quan các loại phương tiện CC&CNCH, triển khai đội hình chữa cháy, phun nước vào tiêu điểm; sử dụng bình chữa cháy dập tắt đám cháy giả định…

Giảng viên, Đại úy Bùi Văn Vũ, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Hà Đông cũng chia sẻ, với những trải nghiệm thực tế trên, các em học sinh và giáo viên đã rất hào hứng, tích cực tham gia và thực hiện khá tốt các kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống nguy hiểm giả định. Qua buổi tuyên truyền, chắc chắn rằng mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sẽ có thêm kiến thức bổ ích trang bị cho bản thân mình về kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để bình tĩnh xử lý và đảm bảo an toàn cho bản thân mình.

Cần thường xuyên trang bị kiến thức PCCC cho học sinh

Trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh - Ảnh 2.

Thầy giáo Đặng Vũ Hiệp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho học sinh Trường Tiểu học Đoàn Kết. Ảnh: VGP/Minh Anh

Thực tế cho thấy, công tác PCCC đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Thực hiện tốt công tác PCCC là bảo vệ được tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội. Dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số nơi, đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó cũng có những tác nhân từ trẻ nhỏ.

Theo nhiều nhà giáo cũng như bậc phụ huynh, để đảm bảo an toàn PCCC, trang bị kiến thức, kỹ năng thoát nạn cho học sinh là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các nhà trường. Ở các khu đông dân cư thì cháy rất dễ trở thành thảm họa, việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một thói quen, nếp sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của cả người lớn lẫn trẻ em.

Dù chỉ là một Tổng phụ trách của Trường Tiểu học Đoàn Kết, quận Long Biên, Hà Nội, song thầy giáo Đặng Vũ Hiệp luôn đau đáu với việc trang bị nhiều kỹ năng sống cho học sinh, đem đến những phương pháp giảng dạy tốt nhất cho các em. Đặc biệt, đối với kỹ năng thoát hiểm, phòng chống cháy nổ, thầy Hiệp luôn tập trung trang bị cho học sinh những kĩ năng cần thiết, đầy đủ về phòng cháy chữa cháy (PCCC) thông qua trò chơi, các tình huống giả định để học sinh ghi nhớ và biết cách xử lí khi có hỏa hoạn. Từ đó, chính các em học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên của gia đình mình.

Tuy nhiên, theo thầy giáo Đặng Vũ Hiệp, để tăng cường tuyên truyền, nâng cao kỹ năng cho học sinh, đặc biệt khi gặp các sự cố về cháy nổ, thì cần có giải pháp để khuyến khích học sinh tham gia, qua đó áp dụng hiệu quả đối với bản thân và môi trường xung quanh mình.

"Trước tiên mỗi đơn vị, tập thể, cá nhân, các cấp, các ngành cần coi trọng và thấy được vai trò của công tác giáo dục kỹ năng đặc biệt là kỹ năng thoát hiển khi có hỏa hoạn cho các em học sinh trong nhà trường từ đó xây dựng Kế hoạch tổ chức tuyên truyền cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của nhà trường", thầy Hiệp chia sẻ.

Cùng với đó, mỗi nhà trường cần chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tuyên truyền thông qua các Inphographic, các clip của lực lượng chức năng chia sẻ trên fanpage, zalo nhóm lớp, cổng thông tin điện tử của nhà trường. Tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi hoạt động gắn với tình huống, tuyên truyền thông quan sân khấu hóa, sân chơi cuối tuần.

"Bên cạnh việc cung cấp kiến thức cũng cần chú trọng đến trang bị kỹ năng cho các em học sinh để tránh hàn lâm; tập trung vào các kỹ năng thiết thực như kỹ năng hô hoán, kỹ năng gọi điện thoại cho lực lượng chức năng, kỹ năng xử lý khi lửa bén vào quần áo, kỹ năng thoát hiểm khi có khói, hỏa hoạn. Trong buổi tuyên truyền cần sử dụng các hiệu ứng khói, âm thanh, tạo tình huống giả định để các em có những trải nghiệm thực tế, vận dụng kiến thức đã được tuyên truyền vào tình huống qua đó hình thành kỹ năng cho các em học sinh", thầy Hiệp nhấn mạnh.

Trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh - Ảnh 3.

Đại úy Bùi Văn Vũ hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản kỹ năng thoát khỏi đám cháy.Ảnh: VGP/Minh Anh

Còn theo cô giáo Hứa Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều, sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, cá nhân tôi thấy trách nhiệm của các nhà trường, các thầy cô giáo trong công tác tuyên truyền giáo dục học sinh, sinh viên về các kỹ năng PCCC nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra là rất cần thiết và vô cùng quan trọng.

Cô Huyền cho rằng, tại các trường học, nguy cơ cháy nổ cũng luôn luôn rình rập, trong khi hệ thống PCCC một số trường chưa được đảm bảo, bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ cho học sinh, giáo viên thì chính quyền các địa phương cũng cần thường xuyên quan tâm rà soát, đầu tư trang thiết bị kịp thời, đặc biệt cần có phương án thoát hiểm đối với những cơ sở giáo dục trong ngõ hẹp, địa hình đông dân cư, xe chữa cháy khó tiếp cận được.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP. Hà Nội, thực hiện Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đầu năm học mới 2023-2024, các cơ sở giáo dục toàn Thành phố đã phối hợp các đơn vị PCCC trên địa bàn, tổ chức những buổi tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho học sinh, sinh viên.

Đối với học sinh tiểu học cần biết kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách chọn lối thoát, cách sử dụng thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ; sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy với thiết bị chữa cháy mô hình, thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc. 

Học sinh trung học cơ sở cần biết các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ; thực hành và sử dụng thành thạo các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với thiết bị mô hình…

Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho rằng, cháy nổ luôn là mối nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến tài sản và tính mạng của mỗi người. Bởi vậy, việc trang bị những kiến thức và kỹ năng để thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ cho cộng đồng là vô cùng quan trọng. Đối với trẻ nhỏ, để ghi nhớ và thực hiện được những kỹ năng thoát hiểm không hề dễ dàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và lực lượng PCCC. Đầu tiên đó là phải huấn luyện cho trẻ ghi nhớ những kỹ năng thoát khỏi hỏa hoạn, thầy cô hoặc phụ huynh có thể thực tập cùng bé bằng những phương pháp chơi mà học. Ví dụ, cho bé đóng vai lính cứu hỏa hoặc nạn nhân, viết lên tấm bảng số cứu hỏa 114, số điện thoại của bố mẹ hoặc người thân và dạy trẻ nhớ…

Minh Anh

Top