Tri ân chiến sỹ cách mạng thành Hoàng Diệu

18/08/2016 12:15 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 18/8, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã gặp mặt thân mật với các chiến sỹ cách mạng Việt Minh thành Hoàng Diệu - những chiến sỹ cách mạng đã tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và các chiến sỹ cách mạng thành Hoàng Diệu. Ảnh: Gia Huy

Buổi gặp mặt có sự tham dự của Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội năm 1945, Trưởng ban Ban liên lạc chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu; đồng chí Vũ Oanh, nguyên Chủ nhiệm Việt Minh thành Hoàng Diệu, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương và hơn 10 đại biểu là đại diện chiến sỹ cách mạng Việt Minh thành Hoàng Diệu.

Tri ân thế hệ cách mạnh nhiệt huyết

Tại buổi làm việc, Bí thư thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, buổi gặp mặt là dịp để lãnh đạo Thành phố bày tỏ tấm lòng tri ân và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu, mồ hôi, công sức cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và sự phát triển của đất nước. Tuy tuổi đã cao, sức yếu nhưng các chiến sỹ vẫn mang trong mình bầu nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước, đối với Thủ đô thân yêu.

Là những người con ưu tú của Thủ đô, các chiến sỹ cách mạng Việt Minh thành Hoàng Diệu đã luôn mưu trí, gan dạ đối mặt với những nhiệm vụ rất nặng nề, nguy hiểm, liên tiếp lập những chiến công lớn, quan trọng và nhanh chóng trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng.

Trong không khí đầm ấm, thân tình, các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu và lãnh đạo TP. Hà Nội đã ôn lại những kỷ niệm của một thời lịch sử oai hùng từ chính những con người của lịch sử. Những đóng góp, hy sinh của các đồng chí mãi mãi được các thế hệ lớp người đi sau trân trọng gìn giữ và được thành phố đặc biệt quan tâm, trở thành nội dung công tác giáo dục truyền thống lịch sử nhất là đối với thế hệ thanh thiếu niên, học sinh.

Bác Lê Đức Vân chia sẻ, năm 1995, tổng số chiến sỹ cách mạng Việt Minh thành Hoàng Diệu là 420 người. Đến năm nay thống kê chỉ còn 95 người, trong đó có 53 người là thanh niên cứu quốc, 31 là nữ thanh niên cứu quốc, 6 đồng chí công nhân cứu quốc.

Tại buổi gặp mặt, các chiến sĩ Việt Minh Thành Hoàng Diệu đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội xem xét khen thưởng một số gia đình có công với cách mạng, gia đình có công nuôi cán bộ trong kháng chiến và tạo điều kiện cho cán bộ Việt Minh hoạt động nhưng chưa được khen thưởng.

Thay mặt các chiến sỹ thành Hoàng Diệu, bác Phan Thị Phúc đề nghị TP. Hà Nội đặt tên con đường và xây dựng tượng đài mang tên cuộc Cách mạng Tháng 8, đây là nguyện vọng của các chiến sỹ trong nhiều năm qua.

Nghiên cứu đặt tên đường "Cách mạng Tháng 8"

Về các kiến nghị, đề xuất của các chiến sỹ lên quan đến đặt tên đường Cách mạng Tháng 8, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử Cách mạng Việt Nam. Việc lấy tên sự kiện lịch sử này để đặt tên cho các đường phố, công trình công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội hết sức quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Đến nay, tên "Cách mạng Tháng 8" đã được Thành phố Hà Nội sử dụng và đặt tên cho Quảng trường và Vườn hoa trước khu vực Nhà hát Lớn là địa điểm tổ chức cuộc mít tinh tổng khởi nghĩa lớn của quần chúng cách mạng và Việt Minh. Đồng thời, nơi đây là khu vực có không gian cảnh quan đẹp, có nhiều công trình kiến trúc có giá trị và cũng là địa điểm được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa của Thủ đô.

Thành ủy sẽ giao Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố thông qua chủ trương đặt thêm tên "Cách mạng Tháng 8" cho một tuyến đường.

Về xây dựng tượng đài Độc lập, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 34 tượng đài (tuy nhiên, chưa có tượng đài Độc Lập), thành phố đã chỉ đạo, giao Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức nghiên cứu rà soát hiện trạng và lập quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Vị trí được nghiên cứu đề xuất đặt tượng đài Độc Lập dự kiến tại khu vực công viên Hữu Nghị (giáp khu vực dự án bảo tàng Lịch sử Quốc gia, khu đô thị mới Tây Hồ Tây, thuộc phường Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh) với quy mô khuôn viên tượng đài dự kiến khoảng 2ha, chiều cao tối đa 10m. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo việc triển khai xây dựng tượng đài theo đúng quy hoạch và kế hoạch được duyệt.

Thay mặt lãnh đạo TP. Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội mong muốn các bác, các đồng chí sẽ luôn mạnh khoẻ để được chứng kiến những sự đổi thay, phát triển của Thủ đô và đất nước. Đồng thời, mong muốn các bác, các đồng chí bằng kinh nghiệm, trí tuệ và uy tín của mình, sẽ tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Gia Huy

Top