Từ câu chuyện phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội

30/10/2020 9:36 AM

(Chinhphu.vn) - Khu phố cổ Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Luôn vun đắp các giá trị di sản phố cổ như là tài nguyên quý giá và bảo đảm tính bền vững trong phát triển du lịch chính là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu để phát huy giá trị của di sản này.

Phố cổ Hà Nội

Đây là ý kiến của Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về bảo tồn và phát huy giá trị di sản Phố cổ Hà Nội, di sản của Thăng Long Hà Nội qua 1010 năm lịch sử.

Phố cổ - điểm đến lý tưởng cho khách du lịch quốc tế

Nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội bao gồm 78 tuyến phố, được xác định bởi: phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật.

Khu phố cổ Hà Nội được cho là “bảo tàng về lối sống đô thị cổ” của Việt Nam. Cùng với Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ Hà Nội là hiện hữu của Kinh thành Thăng Long xưa, mang hồn thiêng khí phách lịch sử dân tộc, là một di tích vô cùng quý giá của thủ đô Hà Nội và của cả nước, là một nhân tố quan trọng, một phần để nhận diện bản sắc văn hoá đô thị Hà Nội.

Với 121 công trình, di tích đền, chùa, miếu và nhiều công trình nhà ở có giá trị, trong đó có hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Có thể kể đến những di tích nổi tiếng như: Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân 40-42 Hàng Bạc...

Khu 36 phố phường xưa và nay với nhiều hoạt động sôi nổi cả ngày lẫn đêm, là một trung tâm kinh tế, văn hoá đa dạng. Bên cạnh các giá trị văn hoá vật thể (đánh giá đơn thuần về công trình kiến trúc), thì các giá trị văn hoá phi vật thể tạo nên “cái hồn” của phố cổ. Hà Nội là đất Kinh Đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ kết tinh, tinh tuý của mọi miền quê. Di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội khá đậm đặc, nó đã phản ánh một cách phong phú, đa dạng và chân thực truyền thống sinh hoạt văn hoá của người Hà Nội; phản ánh qua một số loại hình của bộ phận di sản văn hóa phi vật thể như: làng nghề, phố nghề, sinh hoạt lễ hội, phong cách sống, ẩm thực....

Bên cạnh đó, phố cổ Hà Nội là khu vực tập trung nhiều nghề thủ công nhất và có nhiều Lễ hội dân gian Hà Nội cổ truyền gắn bó các thành viên của cộng đồng lại với nhau. Một khía cạnh văn hiến trong khu phố cổ Hà Nội là tâm linh hướng tổ, tức lòng ngưỡng mộ tổ tiên, hướng về cội nguồn. Dù ở bốn phương qui tụ về đây nhân dân vẫn luôn nhớ về làng quê gốc cũ. Khu phố Cổ chính là nơi đã lưu giữ, ngoài những công trình văn hoá còn có nhiều giá trị tinh thần mà ngày hôm nay có thể giúp chúng ta nhìn ra những khía cạnh khác nhau của tâm hồn người Thăng Long xưa để lựa chọn, thừa kế, xây dựng một khu phố Cổ trong lòng thành phố Hà Nội. 

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, khu phố cổ Hà Nội thực sự là kho báu của du lịch Thủ đô, có sức hút mạnh mẽ với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Theo thống kê của các đơn vị lữ hành lớn, khoảng 60% lượng khách khi tham gia vào những hành trình du lịch khu vực phía Bắc đều đến tham quan phố cổ. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, phố cổ là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch quốc tế, bởi nơi đây vẫn giữ được những nét độc đáo của Hà Nội, những món ăn ngon nức tiếng. Bên cạnh đó, số ít người dân nơi đây vẫn lưu giữ và tiếp tục phát triển những nghề truyền thống mà cha ông đã để lại. Người dân phố cổ cũng có nét văn hóa riêng, từ tập tục đến phong cách sống và đây là điều không nơi nào có được.

Ông Trần Trung Hiếu gợi ý, các sản phẩm du lịch của Hà Nội cần tập trung vào 7 nhóm chủ yếu, gồm: Du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi giải trí; du lịch MICE; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch mua sắm; du lịch nông nghiệp.

Mục tiêu cao nhất đặt ra cho công tác quản lý di sản văn hóa là bảo tồn lâu dài các yếu tố gốc cấu thành giá trị di sản và phát huy giá trị di sản phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có phát triển cộng đồng cư dân nơi có di sản. 

Quận Hoàn Kiếm với sức hút của khu phố cổ giống như một Hà Nội thu nhỏ với đủ các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thủ đô: du lịch văn hóa với những công trình kiến trúc, di sản văn hóa đặc trưng nhất của du lịch Hà Nội, với những lễ hội truyền thống hay phố đi bộ cùng khu phố cổ mang đậm văn hóa của người Hà Nội; du lịch tham quan, giải trí với những điểm du lịch nổi bật không thể thiếu khi du khách tới Hà Nội; du lịch mua sắm với các tuyến phố kinh doanh truyền thống, chợ Đồng Xuân và các chuỗi điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; du lịch lưu trú và ẩm thực với hơn 500 khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch. Là quận tập trung số lượng cơ sở lưu trú nhiều nhất trên địa bàn thành phố, thu hút khách du lịch quốc tế đến Hà Nội nhiều nhất. Ngoài những sản phẩm du lịch đặc trưng trên, khách du lịch đến Hoàn Kiếm còn có thể trải nghiệm sản phẩm của những làng nghề nổi tiếng nhất Hà Nội thông qua các cửa hàng bán hàng lưu niệm ở các tuyến phố nghề trong Khu phố cổ.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, các sản phẩm du lịch mới được hình thành. Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tổ chức thí điểm từ tháng 9/2016, chính thức từ 1/1/2020, tiếp tục được đề xuất kết nối phía Bắc với không gian đi bộ phía Nam phố cổ, đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và Thành phố. Việc tổ chức nhiều sự kiện đã thu hút đông khách du lịch tới tham quan và vui chơi, giải trí tại khu vực này phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm (di tích Quốc gia đặc biệt), góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình; thúc đẩy gia tăng lượng khách tham quan, lưu trú; tăng nhanh các cơ sở dịch vụ du lịch và tăng trưởng nguồn thu ngân sách. Không gian bích họa phố Phùng Hưng khai trương từ tháng 2/2018, nhiều hoạt động đậm nét văn hóa được tổ chức, đã trở thành điểm đến đặc biệt của Hà Nội, một không gian văn hóa công cộng hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Công tác tổ chức thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh dịch vụ (đến 02 giờ sáng từ 19h00 ngày thứ sáu đến 24h00 ngày chủ nhật hằng tuần) trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã thu hút nhiều cơ sở kinh doanh (gồm: quán café, nhà hàng sử dụng âm nhạc, nhà hàng dịch vụ ăn uống, dịch vụ karaoke) đủ điều kiện đăng ký tham gia, tạo thêm không gian vui chơi, đáp ứng nhu cầu giải trí, giao lưu, tìm hiểu cuộc sống ban đêm của du khách đặc biệt là du khách quốc tế, tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách, không phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.

Dù đã được khai thác nhiều năm, tuy nhiên nhưng du lịch phố cổ vẫn chưa khai thác tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có và các mục tiêu phát triển.

Theo ông Trần Trung Hiếu, hiện phố cổ có nhiều điểm, di tích để tham quan, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống phong phú, giàu bản sắc song chưa được kết nối thành tour tuyến một cách chuyên nghiệp. Còn thiếu các cơ sở dịch vụ đăng ký hệ thống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (hiện mới có Hanoia, Tanmy Design) để giới thiệu với du khách.

Vấn đề quản lý trật tự đô thị, đối tượng xấu lừa đảo, chèo kéo, "chặt chém" du khách, quản lý vỉa hè cho khách bộ hành, điểm dừng đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, vệ sinh môi trường đường phố, quản lý rác thải, an toàn thực phẩm... cần được tăng cường để bảo đảm thông điệp hình ảnh an toàn, thân thiện tới du khách.

Khai thác bền vững, hiệu quả khu phố cổ Hà Nội

Theo ông Trần Trung Hiếu, mục tiêu của ngành Du lịch Hà Nội là tập trung khai thác bền vững, hiệu quả giá trị các di sản tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn, mong muốn tạo mọi cơ hội để đưa du khách đến với di sản và có những sản phẩm hoàn chỉnh để du khách được trải nghiệm ấn tượng.

Trong quá trình thực hiện các nội dung trong các chương trình, đề án, dự án mà quận Hoàn Kiếm đang triển khai về phát triển du lịch trên địa bàn, ông Trần Trung Hiếu cho rằng, cần đặc biệt quan tâm xác định và vun đắp các giá trị di sản phố cổ bởi đó là tài nguyên quý giá bảo đảm tính bền vững trong phát triển du lịch, là chất liệu khai thác để xây dựng nội dung cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch kết hợp với các hoạt động tham quan, mua sắm, ẩm thực, chương trình văn hóa nghệ thuật, các hoạt động vui chơi giải trí có chất lượng cao, đầu tư bài bản, gắn với thương hiệu quận Hoàn Kiếm.

Đặt trong tầm nhìn của Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo về thiết kế" trong "Mạng lưới các thành phố sáng tạo Unesco", quận Hoàn Kiếm cũng cần tiếp tục quan tâm phát triển các không gian sáng tạo trong và ngoài khu phố cổ; nơi quảng bá nghệ thuật, văn hóa và nghề thủ công truyền thống của Hà Nội, Việt Nam trên thế giới, cũng đồng thời là chất xúc tác và tác nhân kinh tế thu hút du lịch, đầu tư, phát triển và thương mại tại địa bàn. Sớm hoàn thành phát triển Không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu (đã được UBND Thành phố, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố Hà Nội thông qua) để tổ chức không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu; phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; phát triển tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại; xây dựng phương án vận hành, khai thác đoạn phố Tràng Tiền 1 và Tràng Tiền 2 (phân tách bởi phố Ngô Quyền) thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật thời trang kết hợp nghệ thuật ẩm thực...

Ông Trần Trung Hiếu cho rằng, cần tiếp tục quan tâm có kế hoạch tổ chức và duy trì thường xuyên, định kỳ có chọn lọc các hoạt động văn hóa - du lịch phù hợp diễn ra trong di sản, làm cho di sản phố cổ luôn có hoạt động sống. Yêu cầu là các sự kiện phải bảo đảm gìn giữ cảnh quan và hiện trạng của di sản; các hoạt động phù hợp với không gian đặc thù của di tích; có sự phối hợp với việc giới thiệu các giá trị của di sản. Tổ chức nhiều các hoạt động, sự kiện, không gian văn hóa, thương mại, du lịch... để tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách.

Nghiên cứu và triển khai các dự án nâng cấp sản phẩm du lịch trong di sản song không làm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, thông qua tăng các hoạt động trải nghiệm của du khách tại di sản. Ví dụ như giới thiệu về quy trình sản xuất nghề thủ công, ẩm thực Hà Thành... để du khách trải nghiệm dưới sự hướng dẫn của thuyết minh viên hoặc hộ kinh doanh dịch vụ; cùng với đó biên soạn, chuẩn hóa các bài thuyết minh du lịch giới thiệu giá trị di sản...

Về Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ông Trần Trung Hiếu cho biết, đã được xây dựng và là địa phương năng động đi đầu chủ động triển khai các chủ trương, cơ chế mới của Nhà nước. Tuy nhiên, Quận cần cần sớm hoàn thiện để triển khai thí điểm trong thời gian tới để bổ sung các sản phẩm du lịch về đêm phục vụ du khách trải nghiệm tại di sản (kéo dài thời gian tham quan di tích, mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí khác...).

Bên cạnh đó tiếp tục quan tâm đầu tư bảo tồn, cải tạo, nâng cấp các di tích; bảo đảm có cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn để tổ chức đón khách (như điểm đỗ xe, vệ sinh công cộng,). Nghiên cứu tổ chức tuyến, loại hình phương tiện giao thông du lịch trong phố (xe ôtô điện, xe đạp, xichlô du lịch,); tạo môi trường kinh doanh thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng. Thay đổi từ việc khách du lịch đến Hà Nội thường chỉ tham quan những giá trị văn hóa hiện hữu tại phố cổ Hà Nội thì đòi hỏi, vẫn những sản phẩm đó, các doanh nghiệp lữ hành và điểm đến cần đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng được các sản phẩm mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, tạo ra những sản phẩm mới "kể" những câu chuyện để du khách hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của di tích khu phố cổ.

Một trong những giải pháp quan trọng khác mà quận Hoàn Kiếm cần ưu tiên theo ông Trần Trung Hiếu, là tập trung quảng bá điểm đến là các di sản phố cổ Hà Nội trong bản đồ du lịch Hà Nội, gắn kết trung tâm trong các chuỗi sản phẩm du lịch của Thành phố. Hoàn thành dự án biển chỉ dẫn du lịch Hà Nội (nội dung liên quan khu vực phố cổ) để sớm bàn giao quận Hoàn Kiếm tiếp nhận, triển khai thực địa. Thực hiện phối hợp, nối kết giữa các đơn vị quản lý, hiệp hội các doanh nghiệp du lịch để khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch, gắn các di sản trong điểm đến của lộ trình tour. Quan tâm đầu tư nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu thông tin du lịch đến với du khách, mở rộng lắp đặt wifi tại các điểm đến, kết nối hiệu quả các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Thực hiện nghiêm các quy định quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn, gắn với phân cấp, phối hợp quản lý nhà nước về du lịch giữa Thành phố và quận, đặc biệt trong quản lý hoạt động lưu trú du lịch (home stay, AirBnB), lữ hành (các đại lý). Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách đến địa bàn.

Cuối cùng, là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động du lịch. Tăng cường đào tạo cán bộ quản lý về di sản và du lịch; đào tạo nghiệp vụ thuyết minh viên tại điểm; giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng người dân khu vực di sản hiểu và gìn giữ văn hóa để người dân phố cổ chính là chủ thể vừa bảo tồn vừa làm du lịch, phát triển giá trị của di sản, quảng bá di sản.

Minh Anh

Bài 2: Giải 'bài toán' giữa bảo tồn và phát triển bền vững khu phố cổ

Top