Tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập: Loay hoay về kinh phí và mô hình

05/06/2019 8:38 AM

(Chinhphu.vn) - Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là xu thế tất yếu, nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách Nhà nước, đồng thời, tăng quyền tự chủ cho các đơn vị. Thời gian qua, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện, song vẫn còn nhiều bất cập, cần cơ chế phù hợp…

Nhà hát múa rối Thăng Long đã là rất nỗ lực tự chủ, song hoạt động còn nhiều khó khăn

Còn nhiều vướng mắc

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã giao quyền tự chủ tài chính cho 16 đơn vị sự nghiệp công lập, song cho đến nay, mới có 2 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (Nhà hát múa rối Thăng Long và Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám); còn 14 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Việc tự chủ chi thường xuyên 100% như ở Nhà hát múa rối Thăng Long đã là rất nỗ lực, song hoạt động còn nhiều khó khăn, bất cập. Phó Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long Chu Văn Lượng cho biết, nguồn thu của đơn vị tương đối ổn định (năm 2018 vượt thu hơn 6 tỷ đồng so với chỉ tiêu giao), đơn vị dành một phần kinh phí để sửa chữa cơ sở vật chất, nhưng quy trình xin cấp trên duyệt rất chậm, có hạng mục trình các cấp hơn một năm vẫn chưa được duyệt.

Bảo tàng Hà Nội cũng chưa thực hiện được cơ chế tự chủ chi thường xuyên, nhưng theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, đơn vị đã có những khu trưng bày chuyên đề, nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch rất muốn đưa khách đến tham quan, song trở ngại không bán vé (không có nguồn thu hoa hồng từ vé của doanh nghiệp), nên rất vắng khách. Vì thế, để tăng nguồn thu, Bảo tàng Hà Nội đề nghị thành phố sớm đồng ý để đơn vị bán vé tham quan cho khách, thúc đẩy hoạt động du lịch; đơn vị cũng có nguồn thu, nhằm sớm thúc đẩy để năm 2022 đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên.

Các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục và Đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Việt Triều Hữu Nghị Ngô Thị Minh Hà, đơn vị mầm non công lập đầu tiên của quận Đống Đa thực hiện cơ chế tự chủ cho rằng, trường rất áp lực trong hoạt động tuyển sinh hàng năm, vì phụ huynh so sánh mức thu học phí của nhà trường cao hơn các trường mầm non công lập khác chưa thực hiện cơ chế tự chủ. Trong khi, không thu học phí đủ cân đối tự chủ thì không đủ trang trải cho chi lương và hoạt động thường xuyên.

Tương tự, Trường Mầm non đô thị Sài Đồng thuộc quận Long Biên cũng gặp nhiều khó khăn. Cũng do xây dựng mức thu học phí bảo đảm cân đối cho tự chủ toàn phần chi thường xuyên, nên tỷ lệ tuyển sinh của trường đều không đạt so với dự kiến. Bên cạnh đó, tự chủ về tài chính, nhưng chưa tự chủ về nhân sự, nên việc tuyển dụng giáo viên tâm huyết của đơn vị cũng hạn chế.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố cũng đầy thử thách khi thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Theo Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Phạm Hoàng Tuấn, để tự cân đối chi thường xuyên, đơn vị phải có nhiều dự án, song thực tế đơn vị đang phải giải quyết 200 dự án tồn đọng khi sáp nhập 7 đơn vị, mà hầu hết hồ sơ thất lạc, ngân sách đã chi, nhưng chưa quyết toán xong. Bên cạnh đó, viên chức, lao động của đơn vị đông (hơn 300 người), nhưng không mạnh, dẫn đến rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Cần ban hành chính sách phù hợp

Qua quá trình thực hiện tự chủ cho thấy việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn mâu thuẫn ở yêu cầu thực tế và khả năng chi trả lương cho cán bộ, viên chức. Những đơn vị tự chủ thực hiện nhiệm vụ cần được tự chủ chi trả lương dựa trên năng lực, hiệu quả công tác, trong khi quy định lại bắt buộc tiền lương chi cho cán bộ viên chức và người lao động phải đảm bảo theo ngạch bậc. Điều này chẳng những không khuyến khích được sự sáng tạo, các nhân tố tích cực, mà còn tạo sức ỳ, gây khó khăn cho đơn vị.

Hiệu trưởng Trường Mầm non B (Hoàn Kiếm) Nguyễn Thu Thùy đề xuất, ngoài giao tự chủ về tài chính, nhà nước cần giao tự chủ về biên chế. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị đào tạo, nên triển khai đồng loạt việc tự chủ tài chính đối với các trường công lập, tránh phụ huynh so sánh mức thu học phí cao-thấp, ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, giao quyền tự chủ về tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết, song cần phải có lộ trình, làm từng bước, hướng dẫn cụ thể quy trình, để tránh việc thực hiện một thời gian khó khăn, quay lại xin bao cấp. Năm 2019, Sở cố gắng sẽ thúc đẩy thêm một đơn vị tự chủ toàn phần về chi thường xuyên.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu, hiện một số bộ, ngành quản lý chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Do đó, chưa bảo đảm tính đồng bộ giữa việc tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế với việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Thực tế cho thấy, các đơn vị chưa được tự quyết số viên chức làm việc, mà cơ quan chủ quản cấp trên vẫn giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho đơn vị... Thời gian tới, Sở cũng sẽ tham mưu các giải pháp cho UBND thành phố để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên.

Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị UBND thành phố cần chỉ đạo rà soát, làm rõ về mô hình hoạt động, tổ chức bộ máy của các ban quản lý dự án tập trung của thành phố; các công ty thủy lợi; các đơn vị sự nghiệp công lập khối giáo dục; khối văn hóa thể thao có các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật, trung tâm huấn luyện thể dục thể thao. Thông qua đó, xem xét hiệu quả hoạt động, việc thực hiện phân cấp, việc thực hiện kinh phí do thành phố cấp, cũng như việc thực hiện tự chủ chi thường xuyên của các đơn vị. Từ đó, HĐND thành phố xem xét, xây dựng, ban hành chính sách về lĩnh vực này cho hợp lý, phù hợp thực tiễn hơn.

Vĩnh Hoàng (Tổng hợp)

Top