Tự hào thời thanh niên sôi nổi, góp phần Giải phóng Thủ đô

03/10/2024 7:21 AM

(Chinhphu.vn) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức yêu nước ở Hà Nội, ông Dương Tự Minh (con trai út của cố Giáo sư Dương Quảng Hàm) là một cựu tù Hỏa Lò đã tham gia phong trào thanh niên yêu nước và chứng kiến những thời khắc lịch sử của Thủ đô 70 năm về trước.

Tự hào thời thanh niên sôi nổi, góp phần Giải phóng Thủ đô- Ảnh 1.

Gia đình Giáo sư Dương Quảng Hàm năm 1944 cùng vợ và 8 người con. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc gặp gỡ và ghi lại những câu chuyện của ông Dương Tự Minh về Hà Nội trong ký ức.

Thưa ông, được biết ông đã từng bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò khi mới là cậu học trò 17 tuổi, ông có thể kể lại bối cảnh khi đó?

Ông Dương Tự Minh: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức yêu nước, tôi đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời mình. Năm 1945, khi tròn 10 tuổi, sau Cách mạng tháng Tám, cha tôi - Giáo sư Dương Quảng Hàm được Chính phủ cử làm Thanh tra Trung học vụ và Hiệu trưởng trường Chu Văn An (trước đây là trường Bưởi). 

Khi thời điểm Toàn quốc kháng chiến nổ ra (tháng 12/1946), cha tôi bị thực dân Pháp giết hại trên đường rời khỏi Hà Nội khói lửa, còn các anh chị tôi đều tham gia các hoạt động kháng chiến ở vùng tự do. 

Một năm sau, theo chủ trương, mẹ tôi đã đưa hai con nhỏ quay lại nhà cũ để làm cơ sở nuôi dưỡng cán bộ kháng chiến hoạt động trong nội thành. Tại đây, tôi vào học lớp 6 tại trường Chu Văn An (tên cũ là trường Bưởi nơi cha tôi đã từng giảng dạy) mà thực dân Pháp vừa cho mở lại.

Trong quá trình học tập tại đây, tôi và chị gái của mình đã tham gia vào tổ chức "Học sinh kháng chiến" do Đoàn Thanh niên cứu quốc tại Hà Nội lãnh đạo. Năm học 1949-1950 phong trào diễn ra mạnh mẽ khiến kẻ địch hốt hoảng với các hoạt động như: Bãi khoá học; mang băng rôn diễu hành trên đường phố để phản đối địch giết hại học sinh Trần Văn Ơn; làm đơn xin phép nguỵ quyền tổ chức đại hội văn nghệ tại Nhà Hát lớn nhưng bất ngờ biểu diễn toàn các bài Kháng chiến như Trường ca sông Lô... 

Đến dịp hè, địch mở cuộc càn quét lớn, cả hai chị em tôi đều bị bắt tại căn nhà 98A Hàng Bông nhưng chúng buộc phải thả hai chị em tôi sau một thời gian giam giữ do không đủ chứng cứ kết tội.

Tự hào thời thanh niên sôi nổi, góp phần Giải phóng Thủ đô- Ảnh 2.

Học sinh trường Chu Văn An diễu hành trên phố Hà Nội phản đối địch giết hại Trần Văn Ơn - Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp

Chỉ ít lâu sau khi ra tù, tôi đã được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội, tham gia nhóm in và phát hành tờ báo bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội mang tên "Nhựa sống". Cơ sở này khá quy mô khi có cả máy chữ, máy in báo. Sau một thời gian hoạt động, tháng 10/1952, cơ sở in báo bị lộ do bị chỉ điểm, tôi cũng bị bắt lần thứ hai và khi đó tôi mới 17 tuổi.

Tại Sở mật thám, chúng tra tấn tôi và các bạn bằng đòn bộ (đấm đá, đánh bằng gậy) và kẹp dây vào hai tai rồi quay điện trong suốt thời gian bị giam cầm. Nhưng ngoài những chứng cứ liên quan tới tờ "Nhựa sống" mà địch đã bắt giữ, cả nhóm chúng tôi quyết không khai những bạn bè cùng hoạt động và giấu kín được các hoạt động chống địch như: Ném truyền đơn tại trại Bảo an binh khi địch đưa thanh niên lên trại huấn luyện, đưa giấy tờ kêu gọi trốn lính đến từng gia đình có người bị "động viên". 

Sau 2 tháng, việc khảo cung kết thúc, 4 người được lựa chọn để đưa sang nhà tù Hoả Lò giam giữ chờ ngày xét xử. Khi sang nhà tù Hỏa Lò, mỗi người chúng tôi được cấp một tấm thẻ tù với mã số riêng, có dây luồn đeo vào cổ. 

Thẻ tù mà tôi được cấp mang mã số VN 2017. Khi được tha tôi đã giấu mang về và nay đã mang tặng cho Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò để trưng bày.

Tại nhà tù Hoả Lò, chúng tôi đã tích cực tham gia vào các hoạt động do Chi bộ nhà tù chỉ đạo như dạy học, hoạt động văn nghệ kháng chiến. Mặc dù Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí muốn trị tội chúng tôi thật nặng để dọa phong trào học sinh nhưng nếu chỉ dựa vào các bản khảo cung tại Sở Mật thám thì chứng cứ khá yếu. Sau hơn một năm bị giam, chúng tôi được tạm tha chờ ngày xét xử, gọi là "tại ngoại hậu cứu". 

Vừa ra khỏi tù, chúng tôi đã được tổ chức Đoàn đưa ra vùng tự do học tập rồi lại đưa trở về hoạt động tại Hà Nội, lúc này phải trốn lệnh truy nã.

Tự hào thời thanh niên sôi nổi, góp phần Giải phóng Thủ đô- Ảnh 3.

Ông Dương Tự Minh (con trai út của cố Giáo sư Dương Quảng Hàm) - Ảnh: VGP/Minh Anh

Thủ đô rộn ràng, rực rỡ cờ hoa, cổng chào đón đoàn quân trở về 

Thưa ông, những ngày trước khi quân ta tiến về tiếp quản giải phóng Thủ đô, không khí tại Hà Nội chắc hẳn rất rộn ràng?

Ông Dương Tự Minh: Năm 1954, tôi lúc đó 19 tuổi, từ vùng tự do trở lại Hà Nội tôi được Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội đưa đến ở nhà ông Thi, làm thợ giầy, một cơ sở cách mạng tại khu Lương Yên để sinh sống, tiếp tục bắt mối hoạt động cách mạng trong khối học sinh. 

Lúc này, thắng lợi của quân dân ta ở Điện Biên Phủ đã làm nức lòng người dân Hà Nội. Tiếp đó là những tin tức về hội nghị Giơ-ne-vơ đã định đoạt ngày Hà Nội được giải phóng. Thời khắc này ai cũng nôn nóng, người dân phấn khởi chờ ngày Hà Nội được quân ta tiến vào tiếp quản. 

Khoảng hai tuần trước ngày giải phóng, lực lượng địch gần như tan rã hoàn toàn. Chúng tôi tập hợp nhiều nhóm học sinh may cờ, làm băng rôn đón chào bộ đội trong nhiều ngày. Thực hiện sự chỉ đạo của Thành Đoàn, khối học sinh, sinh viên đứng từ Bờ Hồ qua Hàng Ngang, Hàng Đào đến chợ Đồng Xuân. Rất đông người dân đứng cùng chúng tôi, tay vẫy cờ hoa, liên tục hát hò, hô khẩu hiệu vang động phố phường.

Trong thời khắc đặc biệt, khi ông cùng nhân dân Thủ đô đón đoàn quân về tiếp quản Hà Nội vào ngày 10/10/1954 và thời gian sau giải phóng, lúc đó cảm xúc của ông như thế nào?

Ông Dương Tự Minh: Tôi vẫn còn nhớ như in vào sáng ngày 10/10/1954, tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục hiện tại, bên cạnh tôi toàn là đồng đội với bạn bè, học sinh, sinh viên. Lúc quân ta tiến đến từ phía Bờ Hồ qua chỗ tôi, tôi đứng cạnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ. Nhạc sĩ đã đánh đàn guitar, hát bài "Tiến về Hà Nội" của nhạc sĩ Văn Cao và bài hát "Hà Nội giải phóng" do chính nhạc sĩ Nguyễn Hữu Quỳ sáng tác. Lúc đấy tất cả đều vui mừng khôn xiết, Thủ đô lúc đó rất rộn ràng, đầy cổng hoa, cổng chào đón đoàn quân trở về giải phóng Thủ đô.

Sau ngày giải phóng, tôi vẫn tiếp tục hoạt động theo chỉ đạo của Đoàn Thanh niên cứu quốc. Có thể nói trong giai đoạn này lớp lớp thanh niên Hà Nội đều hăng hái vô cùng. Tôi được yêu cầu trở lại học ở trường Chu Văn An để làm nòng cốt cho phong trào. Lúc này tôi là Hiệu đoàn trưởng trường Chu Văn An, Trưởng ban đại diện học sinh toàn thành phố nên luôn họp với lãnh đạo các trường để phổ biến và cùng thực hiện các chủ trương của Đoàn.

Thế hệ trẻ sau Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là thế hệ được hưởng bầu không khí tuổi trẻ sau giải phóng. Thế hệ chúng tôi đã hăng say với mọi hoạt động như: Làm đường Thanh niên, cải tạo hồ Giảng Võ, san mặt bằng cho những nhà máy đầu tiên xây dựng ở Hà Nội (nhà máy Cơ khí Trung quy mô, Diêm gỗ Cầu Đuống...). 

Chúng tôi còn tham gia mọi công tác xã hội bộn bề lúc đó như dạy Bình dân học vụ xóa nạn mù chữ, chống lụt bão, cứu đê Mai Lâm bị vỡ, đi mít tinh biểu tình liên miên. Tổ chức tập hợp học sinh lúc này là các Hiệu đoàn vì lúc đó mới bắt đầu triển khai xây dựng các chi đoàn và các đội thiếu niên đầu tiên. 

Đến nay, nhiều năm đã qua, thế hệ chúng tôi ở thời điểm đó vẫn bước tiếp cuộc đời của mình. Số phận từng người dù có thăng trầm khác nhau nhưng không ai có thể quên được cái thời trẻ trung sôi nổi đó.

Tự hào thời thanh niên sôi nổi, góp phần Giải phóng Thủ đô- Ảnh 4.

Những buổi lao động XHCN xây dựng những cơ sở vật chất đầu tiên cho Thủ đô Hà Nội sau ngày giải phóng. Ảnh: Tư liệu nhân vật cung cấp

Gắn bó với Thủ đô Hà Nội suốt những năm tháng lịch sử hào hùng, ông có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô?

Ông Dương Tự Minh: Khi Thủ đô được giải phóng, bao trùm không khí tự do đầy hào hứng và khí thế, gia đình tôi cũng được đoàn tụ. Các anh, các chị lớn của tôi đều đi kháng chiến, đến ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) mới trở về, lúc này cả gia đình mới được quây quần trở lại. 

Tôi cho rằng thời điểm Thủ đô giải phóng là một giai đoạn đổi mới, đổi đời. Sự đổi đời là khi mình được sống trong hạnh phúc, có tương lai, có hy vọng và có cảm giác an toàn trong không khí hòa bình và được tự do.

Từ ngày Thủ đô được giải phóng cho đến những năm đổi mới và đến nay, Thủ đô đã có sự thay đổi vượt bậc. Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, điều vui mừng với chúng tôi là đất nước ngày càng đổi mới, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, Thủ đô ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn hồi tưởng lại những ngày Thủ đô thời điểm được giải phóng, nhớ những ca khúc ngày xưa về Hà Nội, những ca khúc cách mạng với những giai điệu khí thế. Nhớ về những điều này khiến chúng tôi càng cảm thấy tự hào về lịch sử của đất nước, về sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Ông Dương Tự Minh là con trai út của cố Giáo sư Dương Quảng Hàm, một nhà sư phạm nổi tiếng trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ông Dương Tự Minh, nguyên là cán bộ Thành đoàn Hà Nội, hoạt động và gắn bó với Thành đoàn Hà Nội, sau đó là Trung ương Đoàn. Sau 30 năm gắn bó ông Minh mới chuyển sang công tác khác. Ông là Phó trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò. Hiện ông Minh sinh sống ở nhà riêng tại 98A phố Hàng Bông (Hà Nội).


Minh Anh (ghi)

Top