Từng bước giảm ùn tắc giao thông Thủ đô

24/06/2022 4:04 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đang từng bước chuyển đổi loại hình phương tiện vận tải công cộng sử dụng năng lượng hóa thạch (xăng, dầu) sang các loại hình phương tiện sử dụng năng lượng sạch; khai thác đường sắt trên cao…nhằm từng bước hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Từng bước giảm ùn tắc giao thông Thủ đô - Ảnh 1.

Tuyến buýt điện dần được đưa vào mạng lưới vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc và bảo vệ môi trường. Ảnh: VGP/Thành Nam

Tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng

Ngoài các tuyến buýt thông thường và tuyến buýt nhanh, hiện nay TP. Hà Nội đã có những tuyến buýt điện, được người dân đánh giá cao vì sự tiện ích cũng như hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Sau trải nghiệm đầu tiên về loại hình giao thông công cộng xanh của Thủ đô, chị Nguyễn Thị Quỳnh (nhân viên văn phòng) quyết định chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng để đi làm và di chuyển. Chị Quỳnh chia sẻ: "Bước lên xe, mình rất ấn tượng với không khí thoáng mát, không có mùi xăng, dầu như xe buýt truyền thống. Xe buýt điện còn di chuyển khá êm và nhiều tiện ích như có wifi và cổng USB sạc điện thoại".

Bên cạnh lý do tiện lợi và giá thành rẻ thì nhiều người dân đang có xu hướng chuyển sang phương tiện vận tải công cộng vì sự an toàn. Bác Bùi Đức Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Cái lợi đầu tiên mà tôi thấy chính là sự an toàn và giá thành rẻ. Ngoài ra, việc sử dụng giao thông công cộng còn góp phần giúp giảm lượng khí thải, giảm ô nhiễm môi trường".

Trong khi đó, nhiều người cũng chọn xe buýt để cải thiện sức khỏe. Chị Đào Thị Hương (45 tuổi, ở Long Biên) chia sẻ, quãng đường từ nhà chị đến trạm xe buýt khoảng nửa cây số. Do đó chị duy trì thói quen đi bộ đến điểm xe buýt đi làm, coi đó như việc tập thể dục hằng ngày.

Cuối năm 2021, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, kết nối với đường sắt đô thị là hơn 60 vị trí điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến, với khoảng cách giữa các điểm dừng chỉ khoảng 400m, đã nâng tính kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội.

Đa số mọi người sử dụng loại hình vận tải hành khách này để đi làm hoặc trải nghiệm tham quan Hà Nội. Anh Nguyễn Văn Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Tàu di chuyển rất nhẹ nhàng và êm ái, điều hòa mát lạnh, tôi đi làm rất tiện và thoải mái"…

Cần kết nốt đồng bộ để hạn chế ùn tắc

Theo nhiều chuyên gia giao thông, thực tế trong thời gian qua, hệ thống vận tải hành khách công cộng dù đã được quan tâm, nhưng chưa đúng tầm, chưa phủ kín nên hầu hết người dân chọn xe máy, ô tô cá nhân để di chuyển dẫn đến ùn tắc giao thông vẫn diễn ra.

Do đó, bên cạnh việc xây dựng vận tải hành khách công cộng bằng xe điện ngầm, nổi, các cơ quan chức năng phải có chiến lược, quy hoạch kết nối với các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng khác, tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ, thuận tiện mới mong giảm phương tiện cá nhân, tiến tới giảm ùn tắc giao thông.

Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội nhận định, việc đưa các tuyến buýt điện vào hoạt động đã đánh dấu cột mốc quan trọng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến trải nghiệm "xanh" và tiện nghi cho người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện công cộng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm bớt phương tiện cá nhân, từ đó hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, giảm áp lực cho giao thông đô thị.

Để phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng, ông Thái Hồ Phương cho rằng, Thành phố cần đẩy mạnh việc tuyên truyền những lợi ích thiết thực của vận tải hành khách công cộng, các chính sách khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng như miễn phí, giảm giá vé...

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng để thu hút người dân sử dụng, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, đầu tư thay thế dần các phương tiện sử dụng dầu diesel sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Không chỉ tăng kết nối giữa xe buýt và đường sắt đô thị, xe đạp công cộng cũng đang được nghiên cứu triển khai tại Hà Nội. Loại hình này hứa hẹn là một phương thức kết nối giữa các phương tiện giao thông công cộng, qua đó thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân.

Theo chuyên gia giao thông Đặng Xuân Tân, Khi vận tải công cộng đã phát triển đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân vẫn cần phải có thêm các giải pháp đồng bộ khác đi kèm, như vậy mới có thể cải thiện ùn tắc, tiến tới giảm ùn tắc giao thông một cách bền vững. Xây cầu vượt, làm đường trên cao để tăng diện tích cho giao thông là cần thiết, cấp bách nhưng không thể làm nhanh được vì nhiều lý do (mặt bằng, thi công, vốn đầu tư lớn). Do đó, cần ưu tiên xây thêm các cầu vượt tại những nút giao thông trọng điểm về ùn tắc giao thông.

Về lâu dài, giải pháp giảm mật độ dân số tại khu vực trung tâm, nội thành phải bắt buộc thực hiện, trước mắt không cho xây thêm các trung tâm thương mại mới ở khu vực đông dân, từng bước di chuyển dân, cơ quan, trường học ra các khu mới, xa trung tâm, hình thành nhiều đô thị vệ tinh phân tán đều ở các vùng của Hà Nội…

Thành Nam

Top