Từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở
(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả nguồn đầu tư ngân sách, việc huy động nguồn lực của toàn xã hội cho công tác cải tạo, nâng cấp và trang bị mới các thiết chế văn hóa ở thôn, làng, khu dân cư, hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn Hà Nội đã từng bước được cải thiện.
Ảnh minh họa |
Quan tâm đầu tư cho thiết chế văn hóa
Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của người dân, giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội của đất nước, của địa phương, đơn vị. Thời gian qua, TP. Hà Nội đã quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách về văn hóa-xã hội. Những cơ chế chính sách trên đã và đang tạo ra động lực huy động các tổ chức, cá nhân tham gia vào công cuộc phát triển văn hóa và xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa Hà Nội cũng được quan tâm hơn, nhiều công trình, dự án văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội đã được bảo tồn, tôn tạo, tạo điều kiện cho cảnh quan văn hóa ngày càng được khang trang, góp phần vào xây dựng không gian kiến trúc thủ đô. Đặc biệt trong những năm gần đây Thành phố triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhờ đó các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đâu tư cải tạo, xây dựng mới, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Tính đến nay đã có hàng trăm các tập thể, cá nhân đóng góp hàng chục tỷ đồng vào việc xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn Thành phố. Nhất là từ khi Thành phố phát động chương trình “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới” và thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...
Nhiều địa phương đã mạnh dạn áp dụng một số cách làm mới trong tổ chức quản lý, hoạt động của hệ thống Nhà văn hóa thôn, làng như: Huyện Đan Phượng; huyện Đông Anh và UBND Quận Long Biên đang triển khai đề xuất UBND Thành phố cho quận thực hiện chủ trương xã hội hóa việc khai thác các Trung tâm văn hóa phường trên địa bàn quận.
Đẩy mạnh hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa
Đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 23 thiết chế văn hóa cấp Thành phố; 30/30 quận, huyện, thị xã đã thành lập Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao. Các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai đã có Trung tâm thể thao nhưng chưa có Trung tâm văn hóa. Quận Nam Từ Liêm đang bắt đầu triển khai xây dựng Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao.
Toàn Thành phố có112/584 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao. Có 2.152/2.528 thôn, làng có nhà văn hóa. Hiện Thành phố đã có 252/386 xã được cộng nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó 100% các xã được công nhận có hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao thôn. Có 1.727/5.452 tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Do khó khăn về quỹ đất tại các quận nội thành nên nhiều tổ dân phố phải sử dụng chung một nhà văn hóa. Các điểm sinh hoạt cộng đồng chỉ bảo đảm được diện tích phục vụ hội họp của tổ dân phổ, không cỏ quỹ đất để xây dựng các công trình phụ trợ.
Ông Trương Minh Tiến cho biết, những chủ chương, chính sách của Thành ủy, UBND Thành phố đã trở thành những căn cứ nền tảng cơ bản để phát triển thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng một phần không nhỏ mong đợi của người dân. Tuy nhiên từ thực trạng tổ chức hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa còn thấy bộc lộ một số những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tiêu biểu là từ thực tế cho thấy, việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể dục, thể thao cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hầu như không có thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ đời sống văn hoá tinh thần, luyện tập thể dục, thể thao của người lao động. Nhiều nơi xây dựng được trụ sở nhưng trang thiết bị thiếu thốn, không đảm bảo điều kiện hoạt động, nhất là khu vực nông thôn, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó là công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, nặng cơ chế xin cho, thiếu chủ động, sáng tạo. Hiệu quả hoạt động chưa đồng đều, một số nơi chưa phát huy tốt điều kiện cơ sở vật chất của thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở. Bên cạnh nhiều địa phương có sự quan tâm đầu tư một cách cụ thể thì vẫn còn tồn tại nhiều nhà văn hóa được xây dựng từ lâu nhưng chưa phát huy được hiệu quả thực sự.
Tình hình nhìn chung được ông Trương Minh Tiến cho biết là hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở trên địa bàn Thành phố hiện nay cơ bản mới đáp ứng một phần theo yêu cầu thực tế và hiệu quả sử dụng còn thấp. Chưa có nhiều công trình văn hoá, công trình thể thao và khu vui chơi giải trí phù hợp với mức sống của nhân dân. Việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho văn hoá, thể thao rất hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể và thiết thực.
Chính vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao đã đề nghị Thành phố quan tâm đưa các nội dung xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vào các chương trình nghị sự nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư, xây dựng và quản lý, tổ chức hoạt động theo hướng xã hội hóa và tự chủ đối với các thiết chế văn hóa , thể thao cơ sở và xây dựng cơ chế pháp luật với các quy chế khung áp dụng cho hoạt động của toàn bộ hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở. Đổi mới, hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa.
Đề nghị UBND thành phố sớm xem xét ban hành Quy chế quản lý, tổ chức hoạt động Nhà văn hóa thôn, tổ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển hơn nữa hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn.
Hòa An