Tuyến phố đi bộ trầm mặc nơi thành cổ gần 200 năm

21/03/2022 2:01 PM

(Chinhphu.vn) - Tuyến phố đi bộ thị xã Sơn Tây nằm trong không gian thành cổ gần 200 năm. Đây là tuyến phố đi bộ số 4 của Hà Nội với nhiều nét cổ kính, trầm mặc và đậm dấu ấn lịch sử, dự kiến sẽ khai trương vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Dự kiến mở tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây vào dịp lễ 30/4 và 1/5

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm chia sẻ, việc triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh thành cổ Sơn Tây là định hướng phát triển lâu dài của địa phương. 

"Chúng tôi muốn xây dựng thành chuỗi tất cả các tuyến, điểm du lịch để tạo sự kết nối trong tương lai (làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây hay Đền Và, Chùa Mía…)", ông Thạo nói.

Theo ông Thạo, hiện nay, lượng khách đến làng cổ Đường Lâm ngày càng lớn, nên việc bổ sung tuyến phố đi bộ vào chương trình du lịch của Sơn Tây sẽ là điểm nhấn để đa dạng hơn các sản phẩm du lịch. Đồng thời việc kết nối tất cả các hoạt động để gắn kết các điểm du lịch sẽ giữ chân được du khách và phát triển lâu dài trong thời gian tới.

Tuyến phố đi bộ trầm mặc nơi thành cổ gần 200 năm - Ảnh 2.

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm 1.822- năm Minh Mạng thứ 3. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ông Trần Đình Chiến, Phó Phòng Quản lý đô thị (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, sắp tới 30/4-1/5, Sơn Tây sẽ khai trương tuyến phố đi bộ, công việc chuẩn bị đến nay đã xong được khoảng 80%. Với tiến độ này Sơn Tây sẽ kịp hoàn thành để khai trương theo dự kiến.

 Việc đưa tuyến phố đi bộ vào hoạt động sẽ đáp ứng được niềm vui, mong mỏi của người dân trên địa bàn thị xã. Sơn Tây chủ yếu phát triển về kinh tế du lịch dịch vụ, vì vậy tuyến phố đi bộ sẽ tao điểm nhấn cho nhân dân và du khách các huyện lân cận như Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất thêm điểm vui chơi. Tuyến phố đi bộ này sẽ được kết nối với nhiều điểm du lịch tâm linh khác trên địa bàn Sơn Tây như Đền Và, Chùa Mía, Văn Miếu…

Điểm nhấn của tuyến phố đi bộ chính là hồn cốt nằm trong các chương trình văn hóa nghệ thuật được lên kế hoạch bài bản xuyên suốt trong một năm. Bên cạnh đó, địa phương cũng đầu tư thêm nhiều chương trình hội chợ, văn hóa văn nghệ, triển lãm ảnh, trưng bày cây cảnh… để phát huy được giá trị của thành cổ. 

Ông Trần Đình Chiến cho biết thêm, hiện Thị xã Sơn Tây đang trình văn bản lên Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để công nhận thành cổ Sơn Tây là di tích đặc biệt.

Liên quan đến việc quản lý khi tuyến phố đi bộ hoạt động, đối với các hộ kinh doanh, buôn bán trên phố đi bộ (tại 3 phường: Quang Trung, Ngô Quyền và Lê Lợi), lãnh đạo Thị xã Sơn Tây đã có công văn về các xã, phường nhằm hướng dẫn các hộ kinh doanh chủ động đăng ký các mặt hàng kinh doanh. 

Theo lãnh đạo thị xã Sơn Tây sẽ có khoảng 50-70 quầy hàng được phép kinh doanh trong khu vực tuyến phố đi bộ. Sau đó, thị xã sẽ thành lập Ban quản lý nhằm bảo đảm an ninh, trật tự và phòng Y tế sẽ hướng dẫn, kiểm tra để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Hiện tại, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện các hạng mục để đưa không gian phố đi bộ vào hoạt động, thị xã Sơn Tây cũng tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được các yếu tố phòng dịch khi tham gia tuyến phố đi bộ như thực hiện tốt 5K, điểm quét QR cho du khách… thị xã đã xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể.

Tuyến phố đi bộ trầm mặc nơi thành cổ gần 200 năm - Ảnh 3.

Nét cổ kính nơi thành cổ gần 200 năm tuổi. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Tuyến phố đi bộ trầm mặc nơi thành cổ gần 200 năm - Ảnh 6.

Dự kiến tuyến phố đi bộ thí điểm có tổng chiều dài khoảng 820m, tổng diện tích sử dụng 34.550m2. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Tuyến phố đi bộ trầm mặc nơi thành cổ gần 200 năm - Ảnh 8.

Thành cổ Sơn Tây mang nhiều nét đẹp cổ kính và dấu ấn lịch sử. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Tuyến phố đi bộ trầm mặc nơi thành cổ gần 200 năm - Ảnh 9.

Thành cổ thu hút nhiều khách du lịch tới thăm quan Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Thiện Tâm


Top