Ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp đô thị

13/02/2023 4:51 PM

(Chinhphu.vn) - Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tế phát triển nông nghiệp đô thị, mang lại hiệu quả thiết thực đã khẳng định vị thế quan trọng trong việc phát triển Thủ đô xanh, sạch, đẹp.

Ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp đô thị - Ảnh 1.

Hà Nội đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau xanh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện Thành phố mới đáp ứng được 14%-71% sản phẩm nông, lâm, thủy sản; việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Theo đó, phần lớn lượng thiếu hụt phải nhờ vào sự chi viện của các địa phương trong cả nước. Từ đây, nhiệm vụ đặt ra đối với nông nghiệp Thủ đô còn rất nặng nề. Cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm chất lượng cao thì vấn đề lớn đặt trong quá trình phát triển Thủ đô là nông nghiệp đô thị .

Nông nghiệp đô thị được tính đến trong hoạt động kinh tế của các hộ gia đình để tạo thêm thu nhập, nền nông nghiệp này không chỉ liên quan thuần túy đến thực phẩm mà còn đem lại sự phát triển bền vững, nhất là cải thiện môi trường xanh trong thành phố. Nhà nông ven đô có xu hướng chuyên môn hóa sản xuất và bảo quản sản phẩm tươi sống với những vành đai rau xanh, vườn cây ăn trái và những thửa ruộng chuyên canh được mở mang trong quá trình công nghiệp hóa. Ngoài cung ứng thực phẩm cho nội đô, nông nghiệp ngoại vi còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường…

Trong các mô hình sản xuất tiêu biểu trên địa bàn thành phố, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tế mang lại hiệu quả thiết thực đã khẳng định vị thế quan trọng trong việc phát triển Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Hàng trăm trang trại sản xuất và rau củ quả, cây, con giống, hoa quả và trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã thu được hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất .

Các mô hình khép kín từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đã được thực hiện ở nhiều trang trại và trong các nông hộ. Điển hình là mô hình thực hiện ở trang trại Hoa viên (huyện Thạch Thất ) đã đưa lượng xuất trại hàng tháng lên trên 1.000 con lợn thịt, từ 500  đến 1.000 lợn giống mang lại doanh thu trên 100 tỷ đồng  một năm. Bên cạnh đó có nhiều mô hình chăn nuôi từ 15 nghìn – 25 nghìn gà siêu trứng, với 18 – 30 lò ấp có công suất 2 vạn trứng/mẻ/lò được cơ giới hóa, hằng năm cung cấp cho thị trường hàng triệu gà giống và trên 10 nghìn gà thương phẩm, đã được mở ra trong nhiều xã thuộc huyện Đông Anh.

Hay mô hình trồng dưa vàng Kim vương 5 sao trong nhà màng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP của nông trại Phúc Bách tại xã Phù lưu, huyện Ứng Hòa có ứng dụng công mực nghệ tưới nhỏ giọt tự động, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc bằng quét mã QR và có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm tới các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong nội đô, qua đó đã giúp nông dân yên tâm ổn định sản xuất và tăng cao thu nhập. Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tạo dòng chảy sục khí trong sông, ao để nuôi cá mật độ cao, năng suất tới 80 tấn/ha, đạt giá trị trên 3,5 tỷ/ha và lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha đã xuất hiện ở nhiều xã thuộc huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa,...

Theo Sở NN&PTNT, trong liên kết sản xuất, thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình có ứng dụng công nghệ phù hợp với mức đầu tư và khả năng vận hành của chủ thể ở các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào các chuỗi rau, lúa hàng hóa chất lượng cao, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với trên 3.810 trang trại lớn ngoài khu dân cư ở 76 xã chăn nuôi, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và 30 cơ sở giết mổ công nghiệp và bản công nghiệp. Chuỗi sản phẩm đã chủ động hoàn toàn trong các khâu sản xuất giống, thức ăn, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng công nghệ thông tin nên đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng, yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý tới người tiêu dùng nội đô.

Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế- xã hội để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ở đây có nhiều Viện nghiên cứu đầu ngành, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu, các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư. Ngoài ra còn tập trung đông đảo tổ chức tài chính, ngân hàng mạnh và các tổ chức quốc tế. Mặc dù điều kiện khách quan thuận lợi, song tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Thủ đô đang còn hạn chế, mới có trên 1.120 ha (chiếm 9,4% tổng diện tích) cây ăn quả có ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 0,75% diện tích sản xuất rau có nhà lưới. Gần đây ngành nông nghiệp thành phố đã hướng mạnh vào xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, nhưng nhiều nội dung về sản xuất giống, vật tư, thiết bị dường như còn để ngỏ, buộc các doanh nghiệp và các nhà sản xuất kinh doanh nông sản phải chủ động tìm giải pháp tiếp cận lẫn nhau.

Ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp đô thị - Ảnh 2.

HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai) thực hiện chăn nuôi khép kín để bảo đảm chất lượng vật nuôi, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Nông nghiệp phải gắn liền với 4.0

Làm rõ nguyên nhân hạn chế, giới phân tích cho rằng, năng lực sản xuất của hộ nông dân còn nhiều hạn chế, người sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu còn làm theo cách truyền thống, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn và kĩ năng ứng dụng vận hành công nghệ. Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất nhỏ, nhưng trên địa bàn thành phố còn quá ít. Mặt khác Thành phố chưa có quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đủ lớn để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Thực tế sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và phân tán đang là cản trở khiến các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung chậm triển khai hoặc thiếu ổn định. Cùng với hạn chế này, sự thiếu phối kết hợp, gắn kết giữa nông dân với thương mại dịch vụ và các tổ chức quản lí nhà nước cũng là nguyên nhân khiến việc vận dụng chủ trương chính sách gặp khó khăn, chưa phát huy được đầy đủ chức năng của các thành phần kinh tế tham gia.

Nhìn nhận về phát triển nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn tới, từ mục tiêu phát triển đến năm 2030 và trong tầm nhìn tới năm 2050, với vị trí là trung tâm phát triển của nông nghiệp vùng và cả nước, nông nghiệp Thủ đô phải gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cần tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị để mở mang phát triển. Trong đó cần nghiên cứu phát triển và ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm chủ lực có hàm lượng công nghệ cao và có thế mạnh của Thủ đô. Ứng dụng công nghệ để tạo ra và nhân nhanh các giống mới, phát triển giống cây hoặc con giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với qui trình thâm canh, tăng vụ và sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời phát triển các quy trình công nghệ thâm canh tổng hợp và tự động hóa trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, có hiệu quả kinh tế cao.

Theo Hội làm vườn TP. Hà Nội, trên địa bàn thành phố, nông nghiệp đô thị phải sử dụng hết diện tích đất có thể khai thác nhằm thiết lập một không gian xanh bền vững trong nội đô và vùng sản xuất nông nghiệp vững chắc ở gần thành phố. Mặt khác sự phát triển của nông nghiệp đô thị phải hướng vào cải thiện đời sống thị dân thông qua chất lượng môi trường tốt hơn, truyền bá được giá trị văn hóa về cảnh quan cây xanh, giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái và tạo các khu vui chơi giải trí, khu trải nghiệm nghề làm vườn.

Ở Hà Nội, các vùng nông thôn đã tham gia tích cực vào đời sống đô thị, đã có không ít làng quê từng nằm đan xen trong lòng đô thị, tạo nên cho Hà Nội một cấu trúc hài hòa. Các làng của Hà Nội không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn là chốn đi về nghỉ ngơi thư giãn cho cư dân nội đô. Có thể nói ao, hồ đầm ngoại vi và các làng ngoại vi đã từng là khu vực chuyển hóa, bảo vệ môi trường trong sạch của thành phố. Gần đây, trong các chương trình phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các cấp lãnh đạo Hà Nội đã coi đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những trọng tâm. Đây là một chủ trương đúng đắn để Hà Nội không bị mất đi những cảnh quan và môi trường sinh thái. Chương trình xây dựng nông nghiệp đô thị của Thủ đô đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Thành phố Hà Nội cần tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy các tác động tích cực của nông nghiệp 4.0, đổi mới đầu tư công và dịch vụ công theo hướng chuyển nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào đất đai, lao động phổ thông sang nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo trong sản xuất và quản trị tốt chuỗi giá trị nông sản thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ.

Thiện Tâm

Top