Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp đô thị

02/12/2024 8:12 PM

(Chinhphu.vn) - Việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp đô thị Hà Nội không chỉ có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Thành phố mà còn là hình mẫu cho phát triển nông nghiệp trong cả nước.

Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp đô thị- Ảnh 1.

Trồng hoa lan trong nhà màng, nhà lưới mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp…, những lợi ích từ nông nghiệp đô thị mang lại rất lớn như: góp phần phủ xanh đô thị, tăng lượng ô xy trong khu vực đô thị, góp phần làm giảm phát thải nhà kính, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ an toàn cho người dân đô thị,... Trong tiến trình đô thị hóa hiện nay bằng công nghệ xử lý hiện đại, người dân có thể tái sử dụng nguồn nước thải để làm nước tưới, phân bón,... cho cây trồng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường tận dụng một phần nguồn chất thải đô thị để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch và an toàn.

Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Phó Giám đốc Viện Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển bền vững, phù hợp với xu thế hiện nay.

Điển hình như Hà Nội có tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 30.800 ha (hiện có 24.000 ha đã được khai thác). Thành phố cũng tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung tại các huyện ven đô như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai, Sóc Sơn. Trong nuôi trồng thủy sản, công nghệ cao theo hướng phát triển bền vững, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường sinh thái, đã được áp dụng phổ biến ở các huyện Ba Vì, huyện Ứng Hòa. Với xu hướng ngày càng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ sinh học, xu hướng này đã hạn chế thay nước, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường.

Một số huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao như huyện Phú Xuyên có xã Tri Trung, diện tích quy hoạch 122,7 ha, giai đoạn 2021-2030, với mô hình chuyển đổi lúa cá vụ mùa 2022 là 838,1 ha. Riêng huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 3.000 ha. Các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ba Vì đang có xu hướng phát triển tôm càng xanh.

Bên cạnh xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng và hiệu quả, các huyện khu vực ven đô còn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đa giá trị, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Đến nay, Hà Nội có hơn 2,7 nghìn sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao... (trong đó có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch). Ngoài ra, Thành phố công nhận 5 điểm du lịch cấp Thành phố ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái.

Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp đô thị- Ảnh 2.

Phát triển nông nghiệp gắn với mô hình du lịch sinh thái là xu hướng phát triển bền vững vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại giá trị cao hơn cho ngành nông nghiệp. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Tiêu biểu như huyện Phúc Thọ đã phê duyệt Đề án "Phát triển hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái xã Tích Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". Tổng diện tích theo quy hoạch là khoảng 140 ha. Đề án đang được huyện tích cực triển khai. Hay như huyện Chương Mỹ tập trung phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, cây dược liệu theo hướng hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm tại các xã, thị trấn: Xuân Mai, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Trần Phú. Huyện Mỹ Đức vốn có ưu đãi về danh lam thắng cảnh, di tích lễ hội cũng đã định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái để mang lại giá trị bền vững cho người dân thông qua các hình thức trồng sen, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan (đầm sen xã An Phú), phát triển lụa từ tơ sen.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có nguồn vốn đầu tư lớn. Việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro, hiệu quả chưa cao nên các nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa mặn mà vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hơn nữa, việc tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị còn hạn chế do thiếu tài sản thế chấp; dẫn đến người dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp đô thị.

Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp đô thị còn hạn chế chỉ diễn ra ở một số khu vực, chưa được áp dụng trên diện rộng. Công nghệ trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến còn chưa ứng dụng công nghệ hiện đại nên chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Dẫn tới sản phẩm nông nghiệp đô thị khó cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp khác.

Vì vậy, để phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả, Hà Nội cần định hướng theo hướng nông nghiệp đô thị - sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh; theo hướng nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, chuyên canh tập trung. Hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tươi sống, có giá trị cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân Thủ đô; phù hợp với quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy xã hội hóa lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân của TP. Hà Nội.

Thiện Tâm

Top