Ứng dụng đồng bộ công nghệ tạo đột phá trong chăn nuôi

30/08/2021 3:33 PM

(Chinhphu.vn) - Với những kết quả tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn 2016-2020, việc phát triển chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng đàn gia súc gia cầm.

Trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: Thiện Tâm

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020 thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, khó lường cùng với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội của Thành phố song ngành nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2021 - 2020 vẫn đạt tăng trưởng khá 2,53%, đảm bảo mục tiêu đề ra (từ 2,5%-3,0%); riêng chăn nuôi, thủy sản đạt 58,11%. 

Một số kết quả nổi bật về chăn nuôi có thể kể đến là đàn gia súc tăng cả về số lượng, năng suất chất lượng; đến nay đàn trâu khoảng 27 nghìn con, đàn bò đạt 130 nghìn con; đàn lợn 1,4 triệu con; đàn gia cầm khoảng 37 đến 39 triệu con...

Có thể thấy, việc phát triển chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 chuyển biến mạnh về cơ chế chính sách, đã ban hành các chính sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố trong đó có chính sách phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Điểm nhấn là Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn, Nghị quyết này là tổng hợp cửa các chính sách của Thành phố trước đây đã ban hành. Đây chính là những tiền đề phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển chăn nuôi công nghệ cao nói riêng.

Trong giai đoạn này các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đều được xây dựng xa khu dân cư, đến nay đã có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa; 03 trang trại được trang bị máy vắt sữa; 27 trang trại nuôi công nghệ chuồng lồng. Về thức ăn chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm 100% chăn nuôi bằng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, có 27 trang trại sử dụng dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động. 

Về ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống vật nuôi hiện đã có 100% lợn giống tại các trang trại là giống lợn lai ngoại; 100% trang trại gia cầm nuôi các giống lai có năng suất cao. Trong quản lý dịch bệnh các trang trại chăn nuôi có quy trình chăn nuôi và thực hiện tiêm phòng vaccine định kỳ theo quy định, định kỳ khử trùng chuồng trại, lấy mẫu kiểm tra kháng thể. Có 498 trang trại được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; có 42 trang trại chăn nuôi được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAP.

100% trang trại chăn nuôi lớn sử dụng chuồng kín, tự động hóa

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong viêc ứng dụng công nghệ cao, ngành chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế do chưa hình thành được vùng sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao của Thành phố. Chăn nuôi công nghệ cao còn gặp khó khăn về vốn sử dụng công nghệ cao lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống; quỹ đất hạn chế, chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ban đầu cho các dự án công nghệ cao ở Hà Nội cao hơn so với các tỉnh, thành phố lân cận. Một số chính sách ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ nên khó thu hút được các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư cho chăn nuôi nhất là về xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến sâu sản phẩm động vật công nghệ cao...

Vì vậy, sang giai đoạn 2021-2030, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, việc phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội sẽ tập trung thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng đàn gia súc gia cầm. Trong đó, sẽ tăng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo lợn đạt 85%-90%; về gia cầm tỷ lệ trứng có phôi đạt trên 85%, tỷ lệ trứng ấp nở đạt trên 90%. Sử dụng các trang thiết bị hiện đại, hệ thống chuồng kín với trang trại lợn đạt trên 50% trở lên, gia cầm đạt trên 70% trở lên; 100% trang trại chăn nuôi lớn sử dụng hệ thống chăn nuôi chuồng kín, tự động hóa dây chuyền trong chế biến thức ăn, cho ăn uống tự động, kiểm soát dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi...

Trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Tiến hành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Được ưu tiên giao đất, cho thuê đất ở những vị trí thuận lợi cho sản xuất; được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, môi trường.  

Tiếp tục rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao; thu hút đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để đề nghị Trung ương và HĐND Thành phố sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và hoàn thiện những nội dung không còn phù hợp.

Áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cao hiện hành hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự động hóa ở các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, giết mổ, máy chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm. Tăng cường tổ chức cho các đối tượng tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghiệ cao trong chăn nuôi (các hội thi về bò, lợn, gia cầm, các phiên đấu giá gia súc, gia cầm ...).

Thiện Tâm 

Top