Ưu tiên doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao vào khu công nghiệp

12/01/2021 4:30 PM

(Chinhphu.vn) – Trong nhiệm kỳ tới, Sở Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ. Tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ảnh minh họa

Hà Nội dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT

Chia sẻ với phóng viên về những kết quả nổi bật trong công tác phát triển công nghiệp, thương mại của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ vừa qua, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, sản xuất công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP Thành phố. Cụ thể, năm 2016 đóng góp 1,02 điểm % vào mức tăng 7,16% của GRDP (chiếm 15,2%), đến năm 2019 đóng góp 1,42 điểm % vào mức tăng 7,63% của GRDP (chiếm 18,64%).

Năm 2020, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp duy trì tăng 4,91%, đóng góp 0,69 điểm % vào mức tăng 3,98% GRDP (chiếm 17,3%). Trung bình 5 năm 2016-2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 8,3%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%) và duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 8,4%. Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học.

Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT, với 6.000 doanh nghiệp CNTT trên địa bàn và có 2/5 khu công nghiệp CNTT tập trung của cả nước. Nhiều sản phẩm công nghệ cao, thiết bị thông minh được sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển; đã có 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 70 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định; 43 cụm công nghiệp thành lập mới. Tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích, hỗ trợ phát triển, đã có 1.350 làng nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động.

Về hoạt động thương mại, giai đoạn 2016-2020, đạt mức tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành bán buôn, bán lẻ đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP Thành phố. Cụ thể, năm 2016 đóng góp 0,74 điểm % vào mức tăng 7,16% của GRDP (chiếm 10,4%); đến năm 2019 đóng góp 0,9 điểm % vào mức tăng 7,63% của GRDP (chiếm 11,7%); năm 2020 tăng 8,84% đóng góp 0,81 điểm % vào mức tăng 3,98 của GRDP (chiếm 20,35%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân 10,54%/năm.

Do ảnh hưởng của COVID-19 làm đứt gãy thị trường tiêu thụ toàn cầu làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Thành phố, nhờ các chính sách linh hoạt cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực và duy trì được mức tăng trưởng dương 1,8%. Trung bình 5 năm (2016-2020) kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 8,8%, cao hơn 1,68 lần giai đoạn 2011-2015 (5,25%).

Cùng với đó, hạ tầng thương mại trên địa bàn được quan tâm phát triển, trên địa bàn Thành phố hiện có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị; 1.840 cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 455 chợ; 494 cửa hàng xăng dầu; 2 cảng cạn ICD và hệ thống các kho, bãi container nhỏ phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa,…

Đẩy mạnh khởi công 43 cụm công nghiệp đã được phê duyệt

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Phương Lan, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực công nghiệp thương mại của ngành công thương cũng còn nhiều khó khăn, vất vả. Trong lĩnh vực công nghiệp, hầu hết các cơ sở sản xuất lớn đã di chuyển ra khỏi Thành phố, hoạt động sản xuất công nghiệp thu hẹp lại. Đầu tư cho phát triển công nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ phát triển cũng chưa mạnh. Việc thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại cũng gặp khó khăn, đặc biệt là xã hội hóa các hệ thống chợ dân sinh và chợ đầu mối trên địa bàn…

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP. Hà Nội, việc chuyển dịch cơ cấu ngành cũng có thay đổi đáng kể như cơ cấu về công nghiệp xây dựng chiếm 22,5% - 23%, cơ cấu về dịch vụ tăng lên từ 65%-65,5%, còn lại nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp. Do đó, có tác động rất lớn đối với ngành công thương và trên cơ cấu như vậy, ngành công thương xác định giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong giai đoạn 2021- 2025 đạt từ 7,5% - 8%; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 9,5%- 9,7%; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội bình quân đạt từ 9%-10%.

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu đề ra, Sở đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ. Bám sát các Nghị quyết của Trung ương, tận dụng hiệu quả của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 để thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm có giá trị hàm lượng gia tăng cao và công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh việc khởi công 43 cụm công nghiệp được Thành phố quyết định thành lập trong giai đoạn 2018-2020.

Đối với lĩnh vực thương mại, ngành công thương sẽ đẩy mạnh công tác kêu gọi, xây dựng các chương trình, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư các loại hình thương mại theo quy hoạch ngành, nhất là đầu tư các hệ thống phân phối, bán hàng hiện đại như  TTTM, siêu thị… Phấn đấu đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 sẽ phát triển thêm 5 trung tâm bán buôn cấp vùng, 10 trung tâm mua sắm cấp vùng, 12 trung tâm logistics, 68 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, 850 siêu thị và 140 chợ (trong đó bao gồm 5 chợ đầu mối), góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.

Sở cũng sẽ thúc đẩy việc phát triển kinh tế đêm; hình thành và duy trì một số tuyến phố, không gian văn hóa - du lịch - thương mại dịch vụ - ẩm thực trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng hội nhập quốc tế; tranh thủ cơ hội vể vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm…

Thùy Linh

Top