Vai trò của công nghiệp hỗ trợ trong phát triển kinh tế Thủ đô

06/01/2025 2:55 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, đặc biệt nhiều doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế… Điều này khẳng định vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.

Vai trò của công nghiệp hỗ trợ trong phát triển kinh tế Thủ đô- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng. Ảnh: VGP/Bích Phương

Tăng cả về quy mô và chất lượng

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội mà còn tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội Nguyễn Vân cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội liên tục tăng cả về số lượng, quy mô cũng như chất lượng.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng tập trung vào các nhóm ngành nghề chất lượng cao như sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử…

Hà Nội hiện có gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó khoảng 35% các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Điều này khẳng định vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.

Một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2024 là Hội chợ Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, được tổ chức vào tháng 9 vừa qua. Đây là sự kiện thường niên, chuyên ngành lớn về công nghiệp hỗ trợ, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Các sản phẩm trưng bày tại hội chợ chủ yếu là các sản phẩm linh kiện, phụ tùng công nghiệp có tính cạnh tranh cao, phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, hàng không vũ trụ và công nghệ thông tin.

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thông qua các hội chợ, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, xuất khẩu, phát huy năng lực, thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết - cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và thế giới.

Nhiều chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, một yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Chính quyền thành phố đã thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội giai đoạn 2020-2025.

Theo định hướng phát triển đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và công nghiệp xanh. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư và thương mại, đồng thời phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Các doanh nghiệp trong nước được khuyến khích tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế thông qua các chương trình kết nối và hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài.

Thành phố cũng đang tập trung lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển căn cứ lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu, đóng góp giá trị gia tăng cao vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số ngành, sản phẩm công nghiệp ưu tiên có lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và giá trị cao trong chuỗi sản xuất…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất…

Đối với lĩnh vực sản phẩm công nghiệp chủ lực, Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư... Đồng thời, tiếp tục phối hợp, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thành lập và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập nhằm tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp hỗ trợ, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước. Thành phố đã tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Cùng với đó, các hoạt động hợp tác với các tỉnh và thành phố lớn trên thế giới cũng được đẩy mạnh, nhằm học hỏi và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội mà còn tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bích Phương

Top