Vận dụng sáng tạo để khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

11/03/2025 11:53 AM

(Chinhphu.vn) - Trải qua 95 xây dựng và trưởng thành, với trí tuệ và bản lĩnh kiên cường, Đảng bộ TP. Hà Nội đã vận dụng sáng tạo các cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tế của Thủ đô.

Vận dụng sáng tạo để khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) - Ảnh: VGP/GH

Dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của phong trào cách mạng

Tham luận tại hội thảo khoa học "95 năm ngày thành lập Đảng bộ TP. Hà Nội tầm vóc, ý nghĩa lịch sử (17/3/1930 - 17/3/2025)", PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 17/3/1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, đánh dấu sự ra đời của tổ chức Đảng và mở ra thời kỳ phát triển mới trong phong trào cách mạng của TP Hà Nội.

Trải qua 95 xây dựng và trưởng thành, với trí tuệ và bản lĩnh kiên cường, Đảng bộ TP Hà Nội đã vận dụng sáng tạo các cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tế của Thủ đô.

Đồng thời, linh hoạt trong chỉ đạo thực tiễn để khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hơn một tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ngày 17/3/1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam; trong đó, đồng chí Đỗ Ngọc Du được cử làm Bí thư Thành uỷ lâm thời.

Việc thành lập Đảng bộ Hà Nội có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng của Thủ đô nói riêng và phong trào cách mạng cả nước nói chung.

Sự ra đời của Đảng bộ TP. Hà Nội là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trước sự khủng bố ác liệt của kẻ thù đối với những chiến sĩ cách mạng và phong trào cách mạng Thủ đô.

Việc thành lập Đảng bộ Hà Nội là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội - nơi tập trung bộ máy chính quyền của thực dân Pháp và phong kiến.

Là Thủ đô, trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước.

Vì thế, sự thành lập Đảng bộ Hà Nội, không chỉ có ý nghĩa với phong trào cách mạng của Thủ đô mà còn tạo nền tảng vững chắc, tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng trên toàn quốc. Thứ tư, việc thành lập Đảng bộ Hà Nội đã góp phần củng cố và mở rộng lực lượng cách mạng.

Từ đây, tổ chức Đảng sẽ làm nòng cốt trong việc xây dựng và tổ chức các phong trào quần chúng tại Hà Nội. Sự ra đời của Đảng bộ ở Hà Nội còn thể hiện sự trưởng thành và lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với các tầng lớp Nhân dân, từ công nhân, nông dân cho đến trí thức và các thành phần khác trong xã hội. Đảng bộ Hà Nội đã tạo ra một hệ thống tổ chức chặt chẽ, góp phần thúc đẩy sự tham gia của Nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh

Theo PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, ngày 10/10/1954, Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) sạch bóng quân thù, trở thành mốc son, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội.

Trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội luôn quán triệt phương châm: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt đi đôi với phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên nhằm phát triển Thủ đô toàn diện và bền vững.

Phát huy truyền thống vẻ vang Theo PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 29/5/2008, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, thông qua Nghị quyết số 15 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, TP Hà Nội rộng 3.344,7 km2 gấp 3,6 lần diện tích cũ; với 29 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 10 quận nội thành, 18 huyện và 1 thị xã ngoại thành; dân số là 6.232.940 người.

Sau gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là sau khi Hà Nội và Hà Tây sáp nhập, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng bình quân trên 7%/năm. Quy mô nền kinh tế Hà Nội (GRDP) năm 2024 đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương trên 59 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên xếp thứ nhất cả nước, với khoảng 508.000 tỷ đồng.

Ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP, Hà Nội đã được UNESCO vinh danh là "TP vì hòa bình"; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, danh hiệu "Thủ đô Anh hùng". Đó là hành trang để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội tiếp tục giành những thắng lợi mới trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên thịnh vượng của dân tộc.

Theo PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, để phát triển Thủ đô Hà Nội lên tầm cao mới, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là TP "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".

Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội. Thực hiện tốt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn cũng như các quy hoạch đặc thù khác.

Triển khai Luật Thủ đô 2024 trên thực tế, với những thuận lợi căn bản trong phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà.

Quá trình phát triển hệ thống đô thị của Thủ đô Hà Nội không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thủ đô, mà còn cả với vùng, tạo điều kiện để Hà Nội hội nhập quốc tế và phát triển ngang tầm Thủ đô của các nước phát triển trong khu vực.

Gia Huy

Top