Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Nơi tìm về đạo học đầu xuân

12/02/2024 8:41 PM

(Chinhphu.vn) - "Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy" như lời nhắc nhở về phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về thể hiện đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn và tôn sư trọng đạo.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Nơi tìm về đạo học đầu xuân- Ảnh 1.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan những ngày đầu năm. Ảnh: VGP/Diệp Anh

3 ngày Tết đầu tiên của năm mới được coi là cơ hội để mọi người thăm hỏi cha mẹ, người thân, thầy cô để cầu chúc cho nhau một năm mới bình an và hạnh phúc.

Đối với dân tộc Việt Nam, đạo lý thầy trò ngày xưa rất trọng, thầy được coi trọng như cha. Chính vì vậy cứ vào mùng 3 Tết, bằng nhiều cách khác nhau người dân Việt Nam thể hiện sự tôn sư trọng đạo như đến chúc Tết các thầy cô giáo hoặc đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám để gửi gắm ước nguyện về tri thức về sự thành công trên con đường học tập.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Nơi tìm về đạo học đầu xuân- Ảnh 2.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, được hình thành từ thời Lý, đến nay trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Văn Miếu-Quốc Tử Giám chính là biểu tượng của “nguyên khí quốc gia” vì là nơi đào tạo sĩ tử và hơn thế nữa, là nơi tôn vinh nhân tài. Ngay tấm bia đầu tiên khoa thi năm 1442 đã nêu lên vai trò và vị trí của kẻ sĩ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo gây dựng nhân tài”. Ngày nay, những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Văn Miếu - Quốc Tử Giám càng trở nên giàu ý nghĩa. 

Ngày mùng 3 Tết cũng là ngày "Tết thầy", hàng nghìn người dân đã đến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám để tìm hiểu tinh hoa đạo học của dân tộc, các em học sinh được nghe câu chuyện về thầy Chu Văn An để thấm thía hơn về đạo lý thầy trò, biết yêu quý, kính trọng thầy cô giáo. Đây cũng là dịp những người trẻ Việt gặp gỡ giao lưu với những người bạn học cũ.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Nơi tìm về đạo học đầu xuân- Ảnh 3.

Triển lãm tranh với chủ đề "Vẽ con Rồng" độc đáo được trưng bày trong khuôn viên của Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Năm nay không khí lễ hội xuân tưng bừng cả bên ngoài và trong khuôn viên Văn Miếu-Quốc Tử Giám như: Lễ dâng hương đầu năm tại nhà Thái học, chương trình nghệ thuật đầu xuân tại Hồ Văn thu hút rất đông du khách tới thưởng thức…

Triển lãm tranh với chủ đề "Vẽ con Rồng" cũng được tổ chức nhân dịp chào đón năm mới Giáp Thìn 2024. 80 tác phẩm nổi bật nhất được trưng bày tại triển lãm tranh "Vẽ con Rồng" nằm trong khuôn viên của Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám để ghi nhận thành quả sáng tạo của hơn 75 họa sỹ trẻ. Đến với triển lãm, khách tham quan sẽ cùng thả mình vào những câu chuyện về Rồng được lấy cảm hứng từ trong truyền thuyết, trong văn hóa, trong phim, truyện và trong chính đời sống thường ngày

Triển lãm giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nhất được chọn lựa từ cuộc thi vẽ tranh minh họa Illustration Challenge #13 do doanh nghiệp sáng tạo TiredCity và cộng đồng nghệ sỹ trẻ Vietnam Local Artist Group (VLAG) tổ chức vào tháng 11/2023.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Nơi tìm về đạo học đầu xuân- Ảnh 4.

Đến với Văn Miếu-Quốc Từ Giám các bạn trẻ không chỉ được xin chữ mà còn được thực hành viết chữ Nho. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Đặc biệt, Hội Chữ Xuân Giáp Thìn 2024 có sự tham gia của 40 ông đồ, được bố trí xung quanh Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân năm mới. Hội Chữ Xuân được khai mạc vào 24 tháng Chạp năm Quý Mão (3/2) là hoạt động chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2024) và mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Xin chữ đầu năm là một tục lệ truyền thống của người Á Đông thể hiện sự trân trọng đối với tri thức, đồng thời cũng là gửi gắm những ước nguyện năm mới trong từng nét chữ.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Nơi tìm về đạo học đầu xuân- Ảnh 5.

Trưng bày "Khơi nguồn đạo học" và "Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên"tại Hậu đường nhà Thái học thu hút đông đảo các em học sinh, nhân dân và du khách tham quan. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Đến với Văn Miếu-Quốc Tử Giám dịp này, nhân dân và du khách còn được chiêm ngưỡng trưng bày "Khơi nguồn đạo học" tại Hậu đường nhà Thái học. Trưng bày sử dụng hơn 300 tài liệu hiện vật, chia làm 4 phần nội dung chính được giới thiệu theo dòng lịch sử để tái hiện lại cuộc đời và những đóng góp của vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và những người có tầm ảnh hưởng như Nguyên phi Ỷ Lan, danh nhân khoa bảng Lê Văn Thịnh, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh...

Trưng bày cũng kết nối nội dung với trưng bày "Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên" thành một chỉnh thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời, phát triển của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và kết quả nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ. Bên cạnh đó, thông qua các tài liệu, hiện vật liên quan đến các danh nhân, trưng bày tái hiện thành một không gian di sản văn hóa danh nhân để phục vụ tốt nhu cầu của khách tham quan tìm hiểu về những đóng góp của các bậc tiền nhân đối với giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đối với đời sống xã hội hiện nay.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, được hình thành từ thời Lý, đến nay trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước. Di tích này cũng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12-5-2012.

Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Nội Tự) và Vườn Giám. Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành biểu tượng văn hóa và tinh thần hiếu học của người Hà Nội. 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Những điều này cho thấy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô và cả nước, mà đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại.

Với giá trị về tâm linh, văn hóa, kiến trúc, trong nhiều năm qua, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.

Diệp Anh

Top