Vận tải hành khách công cộng: ‘Xương sống’ của giao thông Thủ đô

10/06/2024 1:26 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể; giúp “kéo” hành khách trở lại, nâng tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt, tàu điện tăng cao hơn… Loại hình vận tải này được đánh giá như “xương sống”, là lựa chọn hàng đầu đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Vận tải hành khách công cộng: ‘Xương sống’ của giao thông Thủ đô- Ảnh 1.

Xe buýt ngày càng có sức thu hút với người dân Thủ đô. Ảnh: Internet

Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội (thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), từ đầu năm đến nay, mạng lưới xe buýt Thủ đô vận chuyển khoảng 169,7 triệu lượt hành khách, doanh thu đạt 237 tỷ đồng.

Cụ thể 5 tháng qua, mạng lưới xe buýt đã vận chuyển ước đạt 169,7 triệu lượt hành khách. Trong đó, buýt trợ giá ước đạt 165,2 triệu lượt hành khách, tăng 8,6%; tổng doanh thu ước đạt 237 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, 5 tháng đầu năm các đơn vị đã điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, dịch vụ đối với 61 tuyến buýt, điều chỉnh lộ trình do tổ chức giao thông đối với 53 tuyến buýt và điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 76 tuyến buýt.

Theo lộ trình phát triển xe buýt Hà Nội, đến năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng năng lượng xanh phải đạt tối thiểu 50% và 100% xe taxi thay thế hoặc đầu tư mới phải sử dụng năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ lộ trình trên, có thể nhận thấy Thành phố đang đẩy mạnh và ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng, trong đó có xe buýt, đây cũng là một xu hướng tất yếu mà bất kỳ đô thị nào trên thế giới cũng phải trải qua, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô.

Để thu hút người dân đi xe buýt, Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, việc đầu tiên cần làm là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, phương tiện phải chạy êm, không xả thải gây ô nhiễm, không gây ồn ào, chạy đúng lịch trình và đúng giờ. Thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên phải tốt và nâng cao thường xuyên, phải có tính kiên nhẫn và phục vụ thật tâm.

Đồng thời, xe buýt phải có mạng lưới tốt như trạm đỗ phải bảo đảm sạch sẽ, có mái che, đèn chiếu sáng và bảng thông tin rõ ràng.

Các cơ quan, doanh nghiệp cần có chế độ khuyến khích nhân viên đi xe buýt. Hiện tại Thành phố đã có giải pháp tổng thể về tổ chức, tài chính, phương pháp... để phát triển hệ thống xe buýt. Vì thế, để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp mà Thành phố đưa ra.

Ngoài xe buýt thì hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội ngày càng được người dân lựa chọn, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) khẳng định, vai trò của vận tải hành khách khối lượng lớn là "xương sống" của hạ tầng đô thị.

Dẫn chứng góc nhìn từ đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường cho biết, đến nay tuyến đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ về số lượng hành khách, về chất lượng phục vụ và văn hóa đi tàu của hành khách.

Cụ thể, lượng hành khách sử dụng đã tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, lượng khách sử dụng vé tháng để đi lại hằng ngày chiếm 70% trong tổng số lượng khách sử dụng metro Cát Linh - Hà Đông. Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông 5 tháng đầu năm đã vận chuyển được khoảng 4,6 triệu lượt hành khách, tăng 7,3%; tổng doanh thu ước đạt 30,9 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Để thành công trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng nói chung và bằng loại hình tàu điện nói riêng, ở góc độ chuyên gia giao thông, ông Vũ Hồng Trường cho rằng, cần có cách tiếp cận và giải pháp riêng, không thể áp dụng những phương thức thực hiện trước của bất cứ quốc gia nào.

Trong đó, ông Vũ Hồng Trường đúc rút ra các bài học chính đó là, luôn lắng nghe, nghiên cứu nhu cầu và đặc tính đi lại của hành khách để điều chỉnh thời gian, tần suất, dịch vụ sao cho phù hợp với thực tế. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận với xe buýt và nhà ga đường sắt nhưng hạn chế tối đa ngân sách của thành phố Hà Nội.

Cùng đó, phải có chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng. Chẳng hạn như quãng đường dài thì trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít, vé tháng được kích hoạt trong 30 ngày, kể từ ngày đăng ký và có vé ngày dành cho người dân đi trải nghiệm.

Ngoài ra, tăng cường kết nối hệ thống xe buýt công cộng và xây dựng văn hóa tham gia giao thông công cộng ngay từ đầu. Khai thác tối đa tiềm năng thương mại tuyến, tập trung dịch vụ thương mại cho hành khách…

Nhìn chung, các chuyên gia giao thông cho rằng, để phát huy tất cả các thế mạnh của vận tải hành khách công cộng, Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông. Hệ thống đường sắt đô thị được hoàn thiện và kết nối với xe buýt, xe đạp công cộng sẽ thu hút nhiều người dân tham gia, giảm thiểu phương tiện cá nhân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Thủ đô.

Diệu Anh

Top