Vân Từ - sức sống mới từ nghề may truyền thống

30/01/2022 1:06 PM

(Chinhphu.vn) - Nếu như ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội có làng may áo dài Trạch Xá nghìn năm tuổi thì ở Phú Xuyên cũng có một làng nghề may comple nức tiếng gần xa mang tên Vân Từ. Từ một vùng quê thuần nông, nghề may đã giúp Vân Từ khởi sắc trở thành một làng nghề truyền thống lừng danh đất Hà Thành.

Vân Từ - Sức sống mới từ nghề may truyền thống - Ảnh 1.

Ông Đào Ngọc Hùng (bên trái) cho biết năm nay xưởng sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 1-1,5 vạn bộ veston, comple. Ảnh: VGP/Bích Phương

Từ mô hình kinh doanh nhỏ thành thương hiệu trên thị trường

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, dọc theo đường quốc lộ 1A (cũ) là có thể đến với xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội, nơi từ xưa đã nổi tiếng với nghề may comple, veston. 

Thừa kế và phát triển giá trị truyền thống từ thời cha ông để lại, cùng với công cuộc mưu sinh, người Vân Từ đã tìm cách ra Hà Nội mang nghề may đi làm giàu cho quê hương và đất nước. Đến nay với truyền thống hàng trăm năm, nơi đây đã và đang sản sinh ra rất nhiều những người thợ tài hoa.

Bắt nhịp với xu thế thị trường, những người thợ nơi đây không chỉ dừng lại ở việc nâng cao tay nghề, mà đã có rất nhiều những gia đình, hộ sản xuất nhỏ, phát triển mô hình kinh doanh để trở thành những công ty có tên tuổi và thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm của quê hương Vân Từ đã đi đến rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong khu vực và cả trên thế giới.

Với mục đích tôn vinh, tri ân các bậc, các vị tổ nghề, năm 2019, UBND huyện Phú Xuyên lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Vinh danh làng nghề may comple truyền thống xã Vân Từ. Mới đây TP. Hà Nội đã công nhận Vân Từ là một trong những điểm du lịch làng nghề để đưa du khách đến khám phá nghề may truyền thống nơi đây.

Xã Vân Từ có khoảng 1.500 hộ, với khoảng 70%-80% hộ làm nghề, đây là nguồn thu nhập chính của người dân trong xã. Điều đặc biệt ở chỗ, may comple, veston vừa là công việc cho lao động chính vừa là việc làm thêm cho lao động phụ, từ người trưởng thành, người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất comple, veston. Thu nhập bình quân của người dân làm nghề may comple, veston từ 7-9 triệu đồng/người/tháng.

Cựu chiến binh Đào Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Hùng Luyến-thế hệ thợ may thứ 2 của làng Vân Từ chia sẻ, để làm ra 1 sản phẩm comple, veston, một người phải mất nhiều năm học nghề. Khoảng một năm đầu, người thợ phải học cho thành thạo công đoạn bo khuyết áo, đính cúc kháo, cắt chỉ thừa. Vài năm sau nữa thợ học may cho thành thục ống tay áo rồi học may ghép các bộ phận vào với nhau, rồi may hoàn chỉnh được 1 chiếc áo comple. Giai đoạn cuối cùng là học may quần. Khoảng 10 năm một người thợ mới trở thành thợ may comple giỏi. 

"Người thợ càng làm lâu năm càng có kinh nghiệm, tay nghề cao, vì qua thực tế họ sẽ đúc rút ra được kinh nghiệm làm nghề của riêng mỗi người. Người thợ giỏi là người sẽ nhìn ra ngay phom của khách để cắt may 1 cách chỉnh chuẩn, dáng, phom đẹp, khiến khách mặc lên mười người như mười đều tắm tắc khen ngợi, ưng ý...", ông Đào Ngọc Hùng chia sẻ.

Linh hoạt ứng biến trước dịch bệnh

Dịch COVID-19 vừa qua cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề truyền thống Hà Nội nói chung và Vân Từ nói riêng. Tuy nhiên sau một thời gian giãn cách xã hội, người dân trong xã lại tiếp tục hào hứng bắt tay vào công việc để đáp ứng đủ nhu cầu đơn hàng cho dịp năm mới.

Linh hoạt ứng biến trước dịch bệnh, các xưởng may đo tại làng nghề truyền thống Vân Từ nhanh chóng khôi phục, giữ mức tăng trưởng dương dù sản lượng có sụt giảm. Đối với những xưởng sản xuất tại đây, dịch COVID-19 như một sự thử sức để họ nhìn nhận và đánh giá lại thị trường. Từ đó điều chỉnh mẫu mã, giá thành sản phẩm sao cho phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.

Vân Từ - Sức sống mới từ nghề may truyền thống - Ảnh 2.

Người thợ tất bật làm việc để kịp đơn hàng cho năm mới. Ảnh: VGP/Bích Phương

Sau gần 2 năm sống chung với dịch bệnh COVID-19, Công ty TNHH may mặc Hùng Luyến cũng đã có những phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường cuối năm để giảm tối ưu về những thiệt hại. Ông Đào Ngọc Hùng cho biết, công ty đang dần khôi phục sản xuất với khoảng 40 đến 50 công nhân làm việc ở các công đoạn.

Ông Đào Ngọc Hùng chia sẻ, đối với làng nghề, những tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất. Trong dịch COVID-19, các xưởng sản xuất tại đây buộc phải thích ứng, tiên liệu trước thị trường, xu hướng ăn mặc để nhập đủ nguồn nguyên liệu cắt may.

Với các hoạt động kinh doanh, bày bán sản phẩm làng nghề, hiện đã thay đổi hình thức, thay vì chỉ bày bán trực tiếp như trước đây, các hộ sản xuất làng nghề và kinh doanh sản phẩm làng nghề đã chuyển hướng sang bán hàng online qua mạng xã hội (chiếm phần lớn), kết hợp với bán hàng trực tiếp, nên hiệu quả kinh doanh, quảng bá sản phẩm rất cao.

Nhằm duy trì nguồn thu ổn định, xưởng sản xuất của công ty TNHH may mặc Hùng Luyến đang chú trọng việc hợp tác, bán hàng qua kênh thương mại điện tử, đa dạng hoá mẫu mã mặt hàng. Ước tính năm nay, xưởng sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 1-1,5 vạn bộ veston, comple.

"Chúng tôi mong muốn làng nghề may Vân Từ sẽ có nhiều điều kiện phát triển sánh ngang tầm với nhiều làng nghề truyền thống ở Việt Nam như làng nghề lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng… Người thợ may Vân Từ luôn tự hào có thể cho ra đời những sản phẩm mà khách hàng không thể không hài lòng", ông Đào Ngọc Hùng tâm sự.

Có thể thấy, sống chết với nghề là những điều có thể cảm nhận được tại các làng nghề truyền thống. Giống như con ong mang mật ngọt đến cho đời, những nghệ nhân, những thợ thủ công làng nghề đang mang Tết về với mọi nhà.

Bích Phương

Top