Vành đai 4-Vùng Thủ đô: Liên kết để phát huy tối đa nguồn lực
(Chinhphu.vn) - Giao thông từ xưa đến nay đều là huyết mạch của mỗi quốc gia. Muốn kinh tế, xã hội phát triển thì hệ thống đường sá đều phải đi trước, đón đầu để tạo điều kiện cho mọi ngành nghề hưng thịnh. Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là minh chứng rõ nét cho việc triển khai liên kết vùng, trong đó hạ tầng là yếu tố nền tảng để triển khai liên kết về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh...
Vành đai kết nối mọi vành đai
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thủ đô Hà Nội mà cả các địa phương lân cận. Dự kiến khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra nhiều động lực và không gian phát triển mới cho cả Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Chính vì vậy, Hà Nội đã thể hiện quyết tâm rất cao với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt để triển khai dự án.
Ngay sau khi Quốc hội có Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về chủ trương đầu tư của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và Chính phủ chỉ đạo triển khai tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh và Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên làm Phó Trưởng ban.
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô với các tác dụng chính như sau: Liên kết vùng, giúp tái cấu trúc đô thị của các địa phương trong vùng, khai thác hiệu quả các đô thị vệ tinh góp phần giãn mật độ dân cư khu vực nội đô; Tách giao thông liên tỉnh với giao thông nội đô giảm thiểu ùn tắc giao thông; Thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phát triển các hành lang kinh tế và thu hút đầu tư, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho các địa phương trong vùng.
Theo các chuyên gia, việc phát triển đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên vùng Thủ đô. Tác động dự án đường Vành đai 4 không chỉ kết nối ở trong thành phố Hà Nội mà còn kết nối các tỉnh trong vùng Thủ đô, và nếu dự án được hoàn thành sớm thì con đường này sẽ giảm tải ách tắc cho đường Vành đai 3.
Về mặt kinh tế, khi có đường Vành đai 4 sẽ tạo ra tính chất liên kết vùng Thủ đô, các tỉnh trong vùng Thủ đô. Quan trọng hơn, con đường kết nối được sự phát triển của Hà Nội với vùng Thủ đô và mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội. Như vậy, không chỉ Hà Nội là cực phát triển mà cực phát triển lan tỏa thành các điểm trong vùng. Có đường Vành đai 4 chạy qua, các nguồn lực bên cạnh sẽ có điều kiện để phát triển, nguồn lực đất đai sẽ phát triển, đầu tư các trung tâm công nghiệp, đô thị… như vậy sẽ mang lại nguồn lực rất tốt.
Đường Vành đai 4 có thể coi là "Vành đai kết nối mọi vành đai", tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô. Bởi nó sẽ tạo nên không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, đặc biệt còn được gọi là "lối thoát" cho ùn tắc giao thông của Hà Nội. Hà Nội cần phải triển khai đảm bảo được tiến độ để không lỡ hẹn với những cơ hội rất mạnh mẽ ở phía trước.
Mở ra cơ hội liên kết vùng trong du lịch
TP. Hà Nội đang lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía bắc, cả nước và hội nhập vào mạng lưới đô thị của khu vực Ðông Nam Á, châu Á. Ðể biến điều đó thành hiện thực thì cần sự phát triển tương hỗ với các địa phương khác trong cả nước, đặc biệt là những tỉnh, thành phố trong khu vực.
Trên cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, sau dự án đường Vành đai 4, Hà Nội cùng các tỉnh sẽ tiếp tục triển khai xây dựng đường Vành đai 5. TS.KTS Ðào Ngọc Nghiêm cho rằng, cùng với xây dựng Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần liên kết xây dựng quy hoạch vùng.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để thực hiện mục tiêu phát triển, Hà Nội không thể không quan tâm đến mối quan hệ với vùng. Việc này trước hết cần xác lập trong quy hoạch với quan hệ tương hỗ hai chiều giữa quy hoạch vùng và quy hoạch Thủ đô. Liên kết vùng phải được đặt cùng với cơ chế đổi mới để không chỉ Hà Nội, mà các tỉnh cùng phát triển, cùng chia sẻ lợi ích, cùng khai thác hiệu quả dữ liệu.
Khi các quy hoạch vùng được phê duyệt, cơ chế thực hiện và trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong vùng cũng phải được xác định rõ. Riêng với Hà Nội rất cần xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện vai trò chủ động trong vùng, nhất là về quản lý dân số, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã từng nói, tuyến đường Vành đai 4 chạy qua 3 tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh là điển hình của liên kết vùng. "Nhiều tỉnh không có dự án đi qua nhưng sẽ hưởng lợi khi dự án hoàn thành".
Có thể thấy, với sự liên kết vùng trong giao thông khi dự án vành đai 4 hoàn thiện, sẽ mở ra cơ hội liên kết vùng trong du lịch tại các địa phương Hà Nội cũng như giữa Hà Nội với các địa phương có Vành đai 4 đi qua. Việc liên kết vùng khiến sản phẩm du lịch có thể tận dụng được nhiều thế mạnh, nâng cao tính cạnh tranh và có độ bền vững cao. Liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch góp phần tạo ra lợi thế về quy mô, tiết kiệm các chi phí trong quảng bá, tổ chức các tour du lịch, cũng như đầu tư kết cấu hạ tầng, chi phí đào tạo…
Cùng với sự liên kết giao thông của Hà Nội với các vùng lân cận, đường vành đai 4 Hà Nội còn mở ra một vùng không gian mới với rất nhiều hứa hẹn về một vùng văn hóa có nhiều chiều kích khác nhau, tăng tính hấp dẫn, đa dạng cho văn hóa Thủ đô. Khi các đô thị vùng giáp ranh hình thành, cùng với trường học, bệnh viện, những công trình văn hóa mới được hình thành, kéo theo biết bao giá trị văn hóa mới được thiết lập như nét ứng xử của con người, ẩm thực, tình làng nghĩa xóm, đặc trưng khu phố, biểu tượng văn hóa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề…
Diệu Anh