Vẻ đẹp Phật giáo trong các ngôi chùa ở Hà Nội

13/06/2018 10:36 AM

(Chinhphu.vn)- Vẻ đẹp văn hóa dân gian, tín ngưỡng Phật giáo trong các ngôi chùa dần dần đã trở thành nét đẹp đặc trưng của người Việt Nam, đặc biệt trong các ngôi chùa ở Hà Nội thì vẻ đẹp đó càng đặc trưng hơn bao giờ hết.

Chùa Trấn Quốc - mang đậm hồn Việt

Ngay từ buổi đầu Công Nguyên, Phật giáo đã được du nhập vào Việt Nam. Trải qua biết bao sự biến đổi cùng những thăng trầm của lịch sử, Phật giáo dần dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt.

Phật giáo ngày càng phát triển thì càng trở nên gắn bó hơn với dân tộc Việt Nam và có thời kỳ đã từng được coi là quốc giáo của nước Việt Nam ta, đó là thời kỳ nhà Lý (1010-1225) và thời kỳ nhà Trần (1225-1400). Phật giáo luôn luôn tồn tại và phát triển cùng nhân dân, đất nước, là con đường chỉ lối cho con người hướng đến với vẻ đẹp chân-thiện-mỹ.

Ngay từ những buổi đầu du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã thấm đẫm tính chất dân dã, luôn đi sát đời sống tâm linh của người Việt. Phật giáo không chỉ là giáo lý thông thường mà còn là nơi phản ánh trình độ văn hóa, nếp sống, vẻ đẹp của con người. Phật giáo ra đời góp phần nuôi dưỡng đời sống tâm hồn con người, đề cao vẻ đẹp trong nhân cách con người và giúp con người làm tròn nhiệm vụ của mình.

Nhu cầu của con người chính là tìm đến một nơi để tìm thấy sự thư thái, an lành trong tâm hồn, muốn được hưởng hạnh phúc và giải quyết được những bức bách trong cuộc sống của mình bởi vậy họ tìm đến chùa để cầu nguyện một cuộc sống an lành và bình an, để chiêm nghiệm những giáo lý Phật giáo ở đời, mong muốn tìm ra lối sống an nhiên. Vì thế, nét văn hóa dân gian trong các ngôi chùa ở Hà Nội nói riêng hiện nay, trên cả nước nói chung, không chỉ là vẻ đẹp của các công trình kiến trúc mà còn là biểu tượng của cả cộng đồng.

Chùa ở Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của người Việt, là những ngôi chùa cổ kính với đường nét, màu sắc, hình khối, không gian kiến trúc làng quê Việt Nam. Ở mỗi ngôi chùa đều có để ít nhất một chiếc chuông đồng với ý niệm ngoài việc tập hợp mọi người tụng kinh niệm phật, còn là biểu tượng của tiếng chuông thức tỉnh con người trở về với con đường hướng thiện.

Kiến trúc của chùa cũng khá khắt khe theo nguyên tắc của Phật giáo, cột trụ phải to, thẳng thể hiện tính giác ngộ, độ nghiêng của mái phải vừa phải. Trong chùa có hai vị Hộ pháp trấn giữ, đó là một ông thiện và một ông ác để răn dạy chúng sinh giác ngộ. Từng họa tiết trang trí của ngôi chùa đều thể hiện sự bao dung, rộng lượng, lòng vị tha của đức Phật đối với chúng sinh, là sự kết hợp hài hòa với lối kiến trúc cổ đặc trưng của những ngôi chùa Việt Nam với mái ngói cong vút, được lợp bằng mái ngói giống như những ngôi nhà bình dân.

Không gian trong chùa rất yên tĩnh, phù hợp với lối kiến trúc cổ, dân dã đối lập hẳn với cái nhộn nhịp, tấp nập ở bên ngoài.

Tượng Phật A Di Đà được đặt trên mỗi ô cửa Bảo tháp lục độ đài sen

Vẻ đẹp văn hóa dân gian, tín ngưỡng Phật giáo trong các ngôi chùa dần dần đã trở thành nét đẹp đặc trưng của người Việt Nam, đặc biệt trong các ngôi chùa ở Hà Nội thì vẻ đẹp đó càng đặc trưng hơn bao giờ hết. Nằm trên một hòn đảo nhỏ ở phía Đông Hồ Tây, quận Tây Hồ, một ngôi chùa được mệnh danh là ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Hà Thành có lịch sử 1.500 năm lâu đời nhất ở Thăng Long-Hà Nội. 1500 năm qua, chùa Trấn Quốc là nơi bảo tồn và lưu giữ bao nét đẹp của nền văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Việt không chỉ bởi vẻ đẹp của ngôi chùa mà còn bởi kiến trúc ngôi chùa qua thời gian, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, bao sự biến đổi của đời người.

Chùa Trấn Quốc mang một màu sắc giản dị nhưng cũng rất đỗi thanh tao, trang nhã, đó là vẻ đẹp yên bình của một làng quê Việt Nam. Bước vào cổng chùa là bước vào một thế giới khác-một nơi yên bình thật sự. Điểm nổi bật của ngôi chùa là hình ảnh Bảo tháp lục độ đài sen nằm ngày bên trái cổng chùa được xây dựng vào năm 1998, bảo tháp có 11 tầng, cao 15m, mỗi tầng có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô lại đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý, đỉnh tháp có đài sen 9 tầng được gọi là Cửu phẩm liên hoa, không phải ngẫu nhiên mà Bảo tháp lục độ đài sen trở thành biểu tượng của ngôi chùa.

Khám phá kiến trúc của tháp, ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy rằng hình ảnh của tháp rất gần gũi với đời sống văn hóa con người Việt Nam, đó là hình ảnh những pho tượng Phật được đặt trên đài sen, hình ảnh bông sen từ lâu đã trở thành biểu tượng của con người Việt Nam ta, đó là lối sống ngay thẳng, thanh cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” từ bao đời nay vẫn vậy. Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở bùn mà không bị ô uế, đó cũng là nét đặc trưng của Phật giáo bắt nguồn từ lối sống dân dã.

Những câu đối được viết bằng chữ Quốc ngữ ở cổng chùa Quán Sứ

Nét văn hóa dân gian còn biểu hiện rõ nét ở một ngôi chùa cũng rất nổi tiếng ở Hà Nội. Đó là chùa Quán Sứ, nằm ở số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ XV, là một phần không thể thiếu của hồn thiêng Hà Nội. Chùa Quán Sứ là nơi đặt trụ sở chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ở đây diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng đặc sắc.

Chùa Quán Sứ có thể nói là rất đặc biệt, bởi hiếm có ngôi chùa nào tên chùa cùng với nhiều câu đối được viết bằng chữ quốc ngữ đến vậy, đó cũng được coi là nét đặc trưng của ngôi chùa và vẻ đẹp của chữ quốc ngữ Việt. Những câu đối đó đều là những lời răn dạy của Phật khuyên con người hướng thiện, là những bài học được bao đời nghe theo và học hỏi, nó đều xuất phát từ chính đời sống nhân dân, là những quan niệm bao đời được đúc kết lại thành lời răn dạy của Phật.

Chánh điện hết sức trang nghiêm

Không gian của ngôi chùa hết sức giản dị nhưng cũng không kém phần trang nghiêm, tạo cho người ta cảm giác yên tĩnh, thư thái trong tâm hồn, giúp con người dễ hoà nhập, cảm thấy yên tâm hơn.

Chùa Trấn Quốc và chùa Quán Sứ là hai ngôi chùa đặc trưng cho vẻ đẹp của văn hóa dân gian và tín ngưỡng Phật giáo bởi ở hai ngôi chùa này, ta thấy rõ nét nhất từng đường nét, vẻ đẹp của văn hóa dân gian. Hình ảnh chùa không chỉ là biểu hiện của nền văn hóa Phật giáo mà còn là nơi ta tìm về với hồn quê dân tộc giữa những bộn bề của cuộc sống, để tâm hồn mình được thư thái, thanh thản hơn. Ở đây, ta được nghe Phật giảng giải đạo lý làm người, là nơi nhắc nhở con người về đạo lý sống ở đời “uống nước nhớ nguồn” “công cha nghĩa mẹ ơn thầy” là bài học về tình anh em tình làng nghĩa xóm, là công ơn với Tổ quốc.

Đạo Phật không hề giảng giải những đạo lý cao siêu nào cả mà đó chỉ đơn thuần là những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ đời sống dân gian mà thành, giáo lý của Phật đều từ dân gian mà ra.

Bài, ảnh: Thanh Tâm

Top