Về Đông La-Ngắm Lan rừng giữa lòng Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Từ lâu xã Đông La, huyện Hoài Đức được biết đến là vùng trồng lan rừng nổi tiếng không chỉ của Hà Nội mà còn cả khắp trong Nam ngoài Bắc. Vừa tạo thú chơi tao nhã, đài các vừa mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân trong vùng.
Anh Trần Thái Phụng, chủ một vườn lan thôn Đồng Nhân, xã Đồng La chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý về trồng lan. Ảnh: Thiện Tâm |
Chia sẻ với phóng viên, ông Trịnh Đắc Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, người sành chơi hoa đều nhất trí tôn vinh hoa lan là “vương giả chi hoa” bởi vẻ đẹp lộng lẫy, say đắm lòng người.
Nhắc đến Đông La không thể không nói đến hoa lan, đây là loài cây có giá trị kinh tế cao, là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Nghề trồng lan đã có ở Đông La khoảng 30, 40 năm nay. Từ những nhà vườn nhỏ lẻ đến nay trên địa bàn xã đã có khoảng 20ha trồng lan rừng của 200 nhà vườn, có tốc độ phát triển nhanh, mạnh về quy mô cũng như mạng lưới tiêu thụ và nhiều chủng loại lan phong phú, quý hiếm.
Nhiều nhà vườn đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng mô hình, nâng cao kỹ thuật chăm sóc để đưa ra thị trường những giò lan đẹp, quý hiếm và có giá trị cao. Đến nay, thương hiệu lan Đông La đã được nhiều người yêu lan từ trong Nam, ngoài Bắc biết đến.
Theo ông Trịnh Đắc Chuyên, các nhà vườn tập trung mạnh vào các dòng lan rừng như: Quế, cáo, hồ phi điệp… và nhiều loại độc, lạ khác. Trên địa bàn xã việc giao dịch mua bán các giống và hoa lan thuần rừng được thực hiện thường xuyên, liên tục và rất nhộn nhịp, nhất là qua online. Các địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm rất nhiều, bởi Đông La được coi là “thủ phủ” của lan rừng với bề dầy lâu năm nên đã tạo được uy tín, tiếng vang trong giới chơi lan.
Mặc dù trên địa bàn xã chưa có nhà vườn nào phát triển trồng lan theo hướng công nghệ cao nhưng theo định hướng phát triển của xã thì Đông La sẽ không phát triển theo xu hướng đó. Bởi dù không trồng theo công nghệ cao nhưng hiện tại nghề trồng lan cho thu nhập rất tốt và ổn định, đặc biệt với hình thức phát triển hiện tại thì hộ gia đình nào cũng có thể trồng lan với diện tích 20-30 m2. Hiện nay, trong xã tập trung trồng nhiều lan nhất là thôn Đồng Nhân với khoảng 130 nhà vườn.
Thị trường tiêu thụ của Đông La trải khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Nhờ vậy, thu nhập bình quân một năm của các nhà vườn rất cao. Mức thu này cũng tùy thuộc vào một số dòng lan hoặc một số nhà trồng nhiều hay ít. Điển hình như có hộ trồng nhiều và có nhiều dòng lan quý hiếm sẽ cho tổng thu (chưa trừ tất cả các khoản chi phí) khoảng 40-60 tỷ. Trong xã có một số nhà vườn nổi tiếng, làm lan lâu năm như vườn lan hộ gia đình anh Hoàng Ngọc Trường, Nguyễn Hữu Nguyên, Trịnh Đắc Toàn… Với các hộ tầm trung bình khi trừ tất cả chi phí sẽ cho lãi vài tỷ một năm.
Hiện nay giá trị sản phẩm hoa lan cao nhất và thị trường giao dịch mạnh nhất là phi điệp đột biến, có những sản phẩm rơi vào trên 20 triệu một cm. Ở Đông La có rất nhiều giò lan mang giá trị cao như vậy. Các dòng chơi được như quế, tam bảo sắc, cáo… là tầm trung, giá tùy theo từng giò khoảng 1-2 triệu, có những giò cũng 40-50 triệu.
Là kinh tế mũi nhọn
Do trồng lan cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, nên xã Đông La cũng khuyến khích, giúp đỡ bà con phát triển trồng lan để nâng cao kinh tế hộ, đảm bảo cuộc sống, thu nhập cho người dân trong vùng.
Theo ông Trịnh Đắc Chuyên, thời gian qua, xã Đông La luôn chung tay cùng với bà con trong vùng và đã có một số chính sách hỗ trợ cho người làm vườn. Đồng thời phối hợp để tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, liên hệ các tổ chức tín dụng ngân hàng và nguồn vốn cho người trồng lan vay. Cũng như đồng hành với hội hoa lan để trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà vườn, giúp nhau cùng phát triển kinh tế và coi nghề trồng lan là kinh tế mũi nhọn.
Chia sẻ với phóng viên, ông Tạ Công Thực, Chủ tịch Hội nhà vườn hoa lan Đông La cho biết, thường khi nhắc đến hoa lan là nhắc đến cái đẹp của sự thanh khiết, tao nhã, là sự kết tinh của thiên nhiên, vũ trụ... Chính vì hiểu được giá trị sâu sắc ấy, người dân Đông La càng yêu quý hoa lan hơn bao giờ hết. Bởi vậy trong suốt mấy chục năm qua, những người nông dân chất phác, yêu quý ruộng vườn đã chắt chiu từng tấc đất, quý những giọt mồ hôi để dành chọn tấm lòng cho hoa lan và quyết tâm giữ những giống lan quý hiếm và không ngừng giao lưu, học hỏi, trao đổi, sưu tầm các giống quý hiếm, cũng như nhân rộng và tỏa đi muôn phương.
Từ những nhà vườn nhỏ lẻ đến nay Đông La đã trở thành nơi hội tụ và lan tỏa, thành những vườn lan lớn mạnh cả về quy mô, số lượng cũng như chất lượng. Được bạn bè yêu hoa lan trong nước và quốc tế biết đến. Thương hiệu hoa lan Đông La đã có chỗ đứng trong lòng người yêu hoa lan của cả nước.
Theo ông Tạ Công Thực, để có được kết quả và thành công như hôm nay là nhờ sự quan tâm cũng như tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Và đặc biệt là cả quá trình nỗ lực, miệt mài, vượt qua mọi khó khăn không biết mệt mỏi của các anh chị em Hội nhà vườn Hoa lan Đông La. Đến nay, Hội Hoa lan Đông La vẫn luôn ghi nhớ những nhà vườn đã có công gây dựng làng hoa lan từ thuở ban đầu, trong đó phải kể đến vườn lan Huyền Châu, vườn lan Mai Hàn, Oanh Cường…
Là Chủ tịch Hội nhà vườn Hoa lan, hộ gia đình ông Tạ Công Thực cũng phát triển nghề trồng lan hơn 20 năm nay. Lúc đầu chỉ vài trăm m2, giờ vườn lan của gia đình ông Thực đã lên hơn 1.000m2, với vốn đầu tư cơ sở vật chất, tiền giàn khoảng trên dưới 2 tỷ. Tập trung các dòng lan như: Tai châu, phi điệp, kiếm, tam bảo sắc… Giò trung bình trên dưới 2 triệu, giò đẹp rơi vài chục triệu đến trăm triệu, có nhiều giò đặc biệt, mấy năm trước bán cho nước ngài như Trung Quốc, Nhật, Hà Lan…
Ông Tạ Công Thực cho biết, thị trường lan của Đông La còn nhiều cơ hội phát triển. So với cả nước, Đông La là vùng trồng lan tập trung và khá lớn nhưng lan vẫn chưa đủ để cung cấp ra thị trường. Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung phát triển nhiều hơn nữa cho nghề trồng lan để xứng với tiềm năng của xã.
Ông Tạ Công Thực, Chủ tịch Hội nhà vườn Hoa lan xã Đông La, huyện Hoài Đức chăm sóc vườn lan của gia đình. Ảnh: Thiện Tâm
|
Để trồng lan có chất lượng tốt, giá trị cao đòi hỏi người nuôi lan phải nắm được kỹ thuật cũng như không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Thái Phụng, chủ một nhà vườn trồng lan thôn Đồng Nhân, xã Đông La cho biết, trồng lan đòi hỏi phải chăm sóc đúng kỹ thuật và rất kỳ công. Có nhiều giá thể để trồng được lan, có dòng như rễ hành thì lan phù hợp trồng xốp trộn mùn dừa và trấu, hay như vỏ thông với dừa và gỗ. Dòng lan Tai châu phải ghép chậu, không trồng được trên giá thể vì bộ rễ sẽ hỏng…
Cũng theo anh Trần Thái Phụng, nuôi lan không đơn thuần chỉ là trồng, cắt, tỉa, chăm bón… như những loại cây cảnh khác, việc nuôi lan vô cùng công phu và cầu kỳ, đòi hỏi kỹ thuật cao, đặc biệt phải đặt hồn vào đó, bởi giữa hoa và người vô hình đã có mối quan hệ tương sinh cảm ngộ. Có như vậy, hoa lan mới đẹp, tạo được nét tương ứng, đồng khí, đồng cảm… Nuôi lan không chỉ là thú vui mà còn là sự đồng điệu, nơi gửi gắm tâm hồn, ý niệm của người chơi hoa.
Vốn mang trong mình nét đẹp kiều diễm, sang trọng và được ca ngợi là “vương giả chi hoa” (Hoa của các bậc vương giả), vì vậy người chơi lan trước hết phải hiểu về lan-nghĩa là phải biết nuôi lan. Nói như nhà thơ Trần Lê Văn:
“Những khóm lan mang tên người đẹp
Tố tâm, bạch ngọc, mặc lan nương.
Nước rửa mặt lau từng chiếc lá
Người với cây yêu nhau lạ thường”
Thiện Tâm