Vi phạm trật tự xây dựng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024

11/07/2024 2:22 PM

(Chinhphu.vn) - Nhờ công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường nên tỉ lệ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024.

Nhiều công trình vi phạm bị ngăn chặn ngay từ khi phát sinh

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết. Một số địa bàn báo cáo không phát sinh công trình vi phạm hoặc có tỉ lệ công trình vi phạm thấp (dưới 1%).

Theo số liệu đang được tổng hợp, 100% công trình vi phạm đã được UBND cấp huyện, xã lập biên bản. So với cùng kỳ năm 2023, số công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm 119 công trình (tỉ lệ vi phạm giảm từ 2,36% xuống 1,41%). Tỉ lệ công trình vi phạm đang tiếp tục giải quyết giảm 2,26% (từ 58,26% xuống 56%).

Vi phạm trật tự xây dựng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024- Ảnh 1.

Hà Nội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không để các vi phạm mới xảy ra. Ảnh minh họa: VGP/Thùy Chi

UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 313 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền gần 6,6 tỉ đồng, thu về ngân sách nhà nước gần 5 tỉ đồng.

7 quận, huyện, thị xã không để phát sinh vi phạm, gồm: Ứng Hòa, Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn. 8 địa phương có tỉ lệ công trình vi phạm thấp, gồm: Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Hoài Đức, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì và Đông Anh.

Nhờ công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường nên tỉ lệ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024. Nhiều công trình vi phạm bị ngăn chặn ngay từ khi phát sinh. Ngoài ra, ý thức thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực... Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Điển hình, trong 6 tháng đầu năm 2024, quận Hà Đông cấp 1.884 giấy phép xây dựng. UBND các phường phối hợp cùng các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thường xuyên kiểm tra, giám sát 1.474 công trình, qua đó phát hiện 16 trường hợp vi phạm, đã cơ bản xử lý 8 trường hợp. 8 trường hợp đang trong quá trình thiết lập hồ sơ.

Hà Đông là quận có tốc độ đô thị hóa cao, trên địa bàn có 18 dự án khu đô thị, khu nhà ở, 105 công trình cao tầng đang trong quá trình xây dựng. Bên cạnh các chủ đầu tư phối hợp cùng chính quyền, cung cấp hồ sơ, không ít chủ đầu tư thiếu phối hợp trong xử lý vi phạm.

Tại quận Cầu Giấy, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy Trần Anh Tuấn cho biết, khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng là chủ đầu tư lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ hoặc làm đêm để cố tình vi phạm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Biện pháp ngăn chặn áp dụng cho lĩnh vực trật tự xây dựng chưa đạt hiệu quả...

Nêu cao trách nhiệm, tuyệt đối không để các vi phạm mới xảy ra

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong công tác quản lý vi phạm trật tự xây dựng, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, trước hết các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị phải nêu cao trách nhiệm, chủ động tham mưu lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã rà soát xử lý các vi phạm cũ và tuyệt đối không để các vi phạm mới xảy ra.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội luôn đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn, nếu không nhận diện, kiểm soát tốt có thể gây ra hậu quả khó khắc phục.

Bên cạnh việc kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại các loại hình nhà ở trên, lực lượng chức năng không được để phát sinh vi phạm mới, như tự ý nâng tầng, cải tạo chuyển đổi công năng, không bảo đảm điều kiện an toàn, thoát nạn, ngăn cháy. Giám đốc Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng đặc biệt lưu ý loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ, nhà riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng, mới đây UBND TP. Hà Nội - Dương Đức Tuấn đã ban hành Công văn số 2154/UBND - ĐT về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND thành phố; các chương trình, kế hoạch, quyết định, nghị quyết của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố có liên quan đến lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Không chỉ vậy, nghiên cứu, áp dụng, tổ chức thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 2198/BXD-HĐXD ngày 21/5/2024 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, khu vực được phân công theo dõi, quản lý.

Thành phố cũng giao cho Sở Xây dựng Hà Nội thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; tổng hợp, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND Thành phố biện pháp quản lý, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế theo quy định.

Ngoài ra, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng theo thẩm quyền hoặc kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý, không để phát sinh các công trình xây dựng có vi phạm trật tự xây dựng.

Đối với các công trình đã đưa vào sử dụng, Thành phố giao các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng các công trình theo đúng công năng, thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp.

Đối với các công trình cải tạo, sửa chữa, hoặc chuyển đổi công năng, chuyển mục đích sử dụng từ nhà ở sang kinh doanh (đặc biệt là các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ, các cơ sở dịch vụ lưu trú...) phải thực hiện thiết kế về xây dựng, thiết kế về phòng cháy chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng... theo đúng quy định pháp luật.

TP. Hà Nội cũng yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các công trình vi phạm. Lập kế hoạch chi tiết, cụ thể để xử lý dứt điểm các công trình vi phạm, tồn đọng theo quy định; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra các vi phạm trật tự xây dựng theo quy định.

Thùy Chi

Top