Vươn lên từ khát khao làm nông nghiệp công nghệ cao

25/11/2021 12:21 PM

(Chinhphu.vn) - Trong số 63 nông dân được Hội Nông dân Việt Nam vừa đề cử và bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 có một nữ tỷ phú nông dân của Hà Nội rất đặc biệt. Đó là chị Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1980, hiện là Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc với hai cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo, tại Thanh Oai (Hà Nội) và Đà Lạt (Lâm Đồng).

Chị Nguyễn Thị Hồng bên sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của mình - Ảnh: An Khuê

Say mê với nông nghiệp

Chị Nguyễn Thị Hồng tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội với tấm bằng kỹ sư sinh hoá trong tay, ngay sau khi ra trường chị đã tìm được một công việc làm nhẹ nhàng, lương cao ở nhà máy bia. Tuy nhiên, ngay sau đó chị nghỉ ở đơn vị để chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp vốn chịu nhiều rủi ro.

Lý giải về quyết định bất ngờ này, chị Hồng cho biết: “Tôi xuất thân từ gia đình làm nông. Từ nhỏ tôi đã say mê với nông nghiệp và luôn khát khao đưa công nghệ vào nông nghiệp. Năm 2003, khi còn là cô sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi có tham gia làm dự án cho một công trình nghiên cứu về nấm linh chi. Trong lần tìm đọc tài liệu về nấm linh chi, tôi tình cờ biết đến đông trùng hạ thảo. Tôi cảm thấy đề tài về đông trùng hạ thảo này hay. Khi đó ở Việt Nam chưa có cơ sở nào nuôi trồng, thậm chí chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại nấm này được công bố. Tuổi trẻ với sự tò mò và đầy hứng thú trước những điều mới mẻ, tôi nảy ra ý tưởng nghiên cứu về đông trùng hạ thảo”.

Chị Hồng cũng cho biết quyết định của chị thời điểm đó không hề liều lĩnh. Bởi, trước khi quyết định nghỉ việc ở nhà máy bia, chị Hồng đã có 6 năm ròng miệt mài nghiên cứu về loài nấm dược liệu quý hiếm này, cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng về tiền bạc đầu tư.

Những năm đầu 2009 - 2010 khi mới bắt tay nghiên cứu nuôi cấy, chị Hồng và các cộng sự gặp rất nhiều khó khăn.

“Thứ nhất, khó khăn về công nghệ. Toàn bộ công nghệ trồng đông trùng gần như chúng tôi đều phải tự mày mò. Thời điểm đó, mua giống đông trùng rất khó. Sau nhiều lần nhờ bạn bè mua giống từ Hàn Quốc, Nhật Bản không được, tôi tự sang Tây Tạng (Trung Quốc) để mua giống cũng như học hỏi thực tế về công nghệ. Những ngày đầu một thân một mình sang Trung Quốc vất vả vô cùng. Không chỉ bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp, trong công việc, tôi còn phải tiết kiệm hết mức chi phí ăn, ở để dành tiền học”, chị Hồng nhớ lại.

Khởi điểm cnhóm nghiên cứu của chị Hồng bắt đầu nuôi cấy đông trùng hạ thảo, hàm lượng hoạt chất sinh học cordycepin (đây là chất quan trọng nhất của đông trùng hạ thảo) chỉ có 0,37mg/g. Năm 2011, sau khi được sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã nâng hàm lượng hoạt chất quý này lên 3,7mg/g, gấp 10 lần so thời điểm khởi nghiệp.

Hiện tại, chị Hồng cho biết công ty của mình đã chủ động được nguồn giống đông trùng hạ thảo. Đây là giống bản địa được lấy ở Hoàng Liên Sơn, trên đỉnh Fansipan. Giống bản địa này có khả năng sinh tồn tốt, ít bị thoái hoá, quan trọng hơn hàm lượng hoạt chất cordycepin trong đông trùng thành phẩm lên đến 10mg/g, gấp gần 30 lần so với thời điểm ban đầu khởi nghiệp.

Ngoài ra đơn vị của chị còn tìm thấy những chủng giống đông trùng khác như Cordyceps nutans, Cordyceps pruinosa, Cordyceps takaomontana, Isaria tenuipes, trong đó có những chủng có hàm lượng adrenosin cao tới 3 mg/g có tác dụng chống đào thải ghép…

Đến nay, công ty của chị Hồng đang đẩy mạnh việc nhân nuôi sản phẩm, mở rộng 2 cơ sở nuôi cấy trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng diện tích 15.000 m2; đồng thời phát triển các điểm trưng bày và 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Mỗi năm Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu phôi giống cho các cơ sở vệ tinh ở các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, chúng tôi xuất bán từ 20-30 tấn đông trùng hạ thảo. Trong đó, 50% số sản phẩm được cung cấp cho các công ty chế biến dược liệu trong nước, 30% xuất khẩu sang các nước, trong đó có thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, Australia, Thái Lan, Singapore… 20% sản phẩm được công ty tiêu thụ trong nước, dưới dạng tươi, khô và sản phẩm được chiết xuất dạng viên đóng hộp.

Lan toả thành công

Năm 2021 là năm thứ 9 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm nay được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh có rất nhiều nông dân trẻ với thành tích vượt trội có quy mô sản xuất lớn hơn, thu nhập cao hơn so với các năm trước. Đặc biệt năm nay có nhiều nông dân ứng dụng công nghệ kỹ thuật sản xuất mới và nhiều nông dân tham gia chuỗi chế biến.

Với mô hình trồng, sản xuất, chế biến nấm đông trùng hạ thảo sử dụng công nghệ nuôi cấy vi sinh, kết hợp với trang thiết bị máy móc hiện đại trong nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Hồng là 1 trong 9 nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 có doanh thu khủng nhất - trên 40 tỷ đồng/năm. Mô hình của chị tạo công ăn việc làm cho 98 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân của người lao động: 7 triệu đồng/tháng.

Chị Hồng tự nhận là một người phụ nữ khá may mắn khi được sống với đam mê, theo đuổi và chinh phục đông trùng hạ thảo. Hơn nữa, chị Hồng đã được nhận được sự đồng hành của gia đình. “Bán mấy mảnh đất để theo đuổi đam mê mà gia đình không phàn nàn kêu ca. Ông xã tôi vốn là giáo viên nhưng đã từ bỏ nghề giáo, cùng vợ gánh vác quản lý 2 cơ sở sản xuất nuôi cấy đông trùng. Hiện nay, cơ sở đông trùng ở Đà Lạt do chồng tôi quản lý chính. May mắn nữa của tôi đó là có các con thấu hiểu, chia sẻ và yêu thương bố mẹ. Ba bạn nhỏ nhà tôi được đào tạo từ bé, có kỹ năng tự chăm sóc, phục vụ bản thân tốt”, chị Hồng kể.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nông sản gặp khó trong việc tiêu thụ. Đơn vị của chị Hồng cũng không phải ngoại lệ. Hai tháng Hà Nội giãn cách xã hội vừa qua, công ty của chị Hồng bố trí công nhân "3 tại chỗ" để đảm bảo hoạt động sản xuất ở cơ sở nuôi cấy đông trùng. Là sản phẩm bổ trợ cho sức khoẻ nên thời gian qua tiêu thụ sản phẩm tốt.

“Năm nay, chúng tôi hỗ trợ được rất nhiều cho bà con nông dân nuôi tằm. Do dịch COVID-19, mặt hàng xuất khẩu vỏ kén tơ tằm sang Trung Quốc gặp khó khăn. Trước tình hình đó, chúng tôi đã kết nối tiêu thụ số lượng lớn kén tằm cho bà con ở Thanh Hoá, Yên Bái, Hà Nội, Thái Bình. Bình quân mỗi tháng chúng tôi thu mua khoảng 3-5 tấn kén cho bà con”, chị Hồng cho biết.

Chị Hồng chia sẻ kinh nghiệm: “Để sản xuất bài bản, nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau. Nông dân có nguồn nông sản, doanh nghiệp có dây chuyền, công nghệ chế biến sâu. Sự hợp tác này sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nông dân sẽ không phải lo lắng hiện tượng dồn ứ khi thị trường bị đóng băng hoặc tiêu thụ khó khăn”.

An Khuê

Top