Xác định giải pháp để nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính

21/04/2023 6:31 PM

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị của Thành phố xác định các giải pháp khắc phục kết quả các chỉ số về cải cách hành chính để có kết quả cao hơn trong năm 2023.

Xác định giải pháp để nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chiều 21/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số Thành phố. Hội nghị có sự tham dự của các Phó Chủ tịch và lãnh đạo các sở, ngành.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) và Chuyển đổi số TP. Hà Nội năm 2023 sau khi sát nhập 2 Ban chỉ đạo để phối hợp hiệu quả, nâng cao hoạt động CCHC.

Bộ Nội vụ và các cơ quan đã công bố chỉ số CCHC năm 2022, theo đó Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh, thành về chỉ số CCHC; tuy nhiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Hà Nội giảm 10 bậc so với năm trước.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận sự nỗ lực của các sở, ngành năm 2022 với nhiều cố gắng, có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Chủ tịch Thành phố nhận định, sự nỗ lực này chưa cao so với kỳ vọng, nên, kết quả chưa được như mong muốn và cần sự chuyển biết rõ rệt hơn. Vì vậy, cuộc họp Ban chỉ đạo nhằm có các giải pháp cải cách tốt hơn cho CCHC và chuyển đổi số của Hà Nội năm 2023.

Gần 12.500 văn bản điện tử được giao dịch qua hệ thống

Về kết quả cải cách hành chính, chuyển đổi số quý I/2023, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, qua kiểm tra các cơ quan, đơn vị về cơ bản đã nghiêm túc thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của công dân.

Thành phố đã triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố đến 3 cấp.

Trong đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố đã triển khai tới 633 cơ quan, đơn vị; cấp trên 31.300 tài khoản cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao đông phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc; trên 96.200 văn bản đã được cập nhật và gần 12.500 văn bản điện tử được giao dịch qua hệ thống.

"Nhờ đó, bảo đảm chỉ tiêu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng", Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.

Cùng với đó, hệ thống thông tin báo cáo thành phố phố đã triển khai tới 100% cơ quan, đơn vị; cấp trên 3.300 tài khoản cho đại diện các cơ quan, đơn vị phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và thực hiện các chế độ báo cáo.

Đối với thi tuyển chức danh lãnh đạo, có 65/67 chức danh thi tuyển có người trúng tuyển (đạt tỷ lệ 97%); trên cơ sở kết quả thi tuyển, Thành phố đã tổ chức sơ kết thí điểm 1 năm thực hiện Đề án thí điểm, đã báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục thí điểm phạm vi rộng hơn đến hết năm 2024.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại như: Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện, chưa vận hành chính thức cũng gây khó khăn cho các đơn vị trong việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

Việc thực hiện số hóa tại "bộ phận một cửa" các sở, ngành và "bộ phận một cửa" của UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra do thiếu hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử của Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan. Việc ban hành hướng dẫn và thống nhất danh mục mã số hồ sơ, thành phần hồ sơ số hóa chưa được các Bộ chủ quản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện.

Về nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023, Ban Chỉ đạo thành phố tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tăng cường kiểm tra việc thực hiện CCHC, kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra việc thực hiện và công khai hằng tháng kết quả nhiệm vụ của Trung ương, thành phố giao.

Chuyển đổi số cần chọn những việc trọng tâm, trọng điểm

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND Hà Minh Hải đánh giá cao sự vào cuộc của các đơn vị, sở, ngành trên địa bàn thành phố trong thực hiện công tác chuyển đổi số thời gian qua, đặc biệt là vai trò chủ trì của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Tuy nhiên, đồng chí Hà Minh Hải cho rằng, mặc dù Chính phủ cũng như thành phố đã ban hành đủ cơ chế, chính sách pháp luật mang tính "khung" để thực hiện chương trình chuyển đổi số của thành phố nhưng kết quả trên thực tế chưa được như mong đợi.

Phó Chủ tịch Đồng chí Hà Minh Hải yêu cầu đối với các sở, ngành cần xây dựng lộ trình kiểm đếm từng phần việc, nhiệm vụ liên quan đến công tác số hóa mà thành phố chỉ đạo để bảo đảm tiến độ đề ra.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu giúp Thành phố để có các giải pháp khắc phục kết quả các chỉ số về cải cách hành chính cao hơn. Trong đó, có phân công phân nhiệm rõ ràng và có tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị Văn phòng UBND đánh giá lại việc phân cấp ủy quyền vừa qua để từ đó sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, tiếp tục đưa ra các quy trình xử lý công việc tốt hơn, tránh những lực cản trong cải cách hành chính, "làm sao để công tác cải cách hành chính của Thành phố mang lại lợi ích có thật cho người dân và doanh nghiệp".

Về công tác phối hợp giữa các đơn vị sở ngành, địa phương, Chủ tịch TP. Hà Nội đánh giá còn chưa chặt chẽ, nhất là công tác trao đổi thông tin giữa các cá nhân, đơn vị. Vì vậy, các đơn vị phải nghiên cứu lập lại quy chế làm việc, công tác phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện, để ngày một nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng phục vụ của các cơ quan, đơn vị.

Đối với chuyển đổi số, Chủ tịch Thành phố yêu cầu chọn những việc trọng tâm, trọng điểm, tạo hiệu quả cao, tránh làm theo hình thức "ào ào" gây lãng phí nguồn lực.

Gia Huy

Top