Xây dựng cầu vượt nhẹ: Góp phần giảm ùn tắc giao thông Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Những năm gần đây, TP. Hà Nội tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các hầm chui, cầu vượt nhẹ với mục tiêu giảm xung đột giao thông và xóa các điểm đen ùn tắc tại cửa ngõ Thủ đô. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Giải quyết những "điểm đen" ùn tắc
Nhiều năm qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông lớn để giải quyết những "điểm đen" ùn tắc. Trong đó, xây các cầu vượt nhẹ ở các nút giao như: Tây Sơn-Chùa Bộc, Láng Hạ-Thái Hà, Láng-Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng...
Theo đó, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch trên địa bàn quận Đống Đa được triển khai với mục tiêu nâng cao năng lực giao thông qua ngã tư Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch-Tôn Thất Tùng-Đông Tác. Đây là tuyến đường còn tồn tại tình trạng ùn tắc giao thông, do đó dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị, hình thành hạ tầng giao thông khung của TP Hà Nội.
Hay như cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt đã giúp giảm ùn tắc giao thông tại đây. Cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh-Liễu Giai đã tạo thông thoáng giao thông cho khu vực. Ùn tắc giao thông theo hướng đường Nguyễn Chí Thanh, Vành đai 3 được cải thiện nhờ cầu vượt nút giao Hoàng Minh Giám-Trần Duy Hưng-Nguyễn Chánh. Cầu vượt An Dương-Thanh Niên tạo kết nối nhanh từ trung tâm Hà Nội hướng tới sân bay Nội Bài.
Hay mới đây đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; hai cây cầu vượt dưới thấp qua hồ Linh Đàm và đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng hoàn thành đã góp phần giảm tải giao thông cho đường Vành đai 2 và 3, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thành phố.
Tại một số nút giao lớn như Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Trung Hòa được xây nút giao nhiều tầng gồm hầm, đường trên cao, đường bộ ở giữa. Hầm chui Lê Văn Lương, dài 475m, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, thông xe sau 18 tháng thi công. Sau khi hầm chui Lê Văn Lương đi vào hoạt động, nút giao thông tại đây có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại.
Việc khánh thành công trình nhằm giải quyết kịp thời tình trạng xung đột giao thông tại nút giao Vành đai 3 (Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu) đã tồn tại nhiều năm qua, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông của Thủ đô.
Khởi công hồi tháng 10/2022, hầm chui Kim Đồng-Giải phóng (quận Hoàng mại) là hầm chui thứ 5 với thời gian thi công 30 tháng. Công trình dài 460m với quy mô bốn làn xe và có tổng mức đầu tư 778 tỷ đồng. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A. Điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng, cách vị trí giao cắt với Quốc lộ 1A khoảng 460m. Hiện công trình đã đạt 60% khối lượng công việc. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Các chuyên gia giao thông đánh giá, hầm chui và cầu vượt nhẹ đã giúp giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội một cách đáng kể, đặc biệt tại các nút giao quan trọng, những tuyến đường giao cắt có lưu lượng giao thông lớn. Tuy nhiên, với lượng xe liên tục tăng nhanh như hiện nay, một số cầu, hầm thời gian tới không thể tránh được sự quá tải, do đó, TP. Hà Nội cần phải có những giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ hơn để giải quyết tình trạng ùn tắc.
Tiếp tục triển khai xây dựng cầu vượt nhẹ
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây cũng đã đề xuất Thành phố xây dựng thêm cầu vượt nhẹ tại 5 nút giao có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Theo đó, 5 dự án cầu vượt nhẹ sẽ được xây dựng tại các nút giao: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm); Cổ Linh - Thạch Bàn (quận Long Biên); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân); Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm); Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm).
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn vào giờ cao điểm, đặc biệt là sau khi hoàn thành cầu Vĩnh Tuy 2. Tại nút giao này, hiện Sở đang thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông theo hướng cấm các phương tiện sẽ trái từ đường Cổ Linh vào đường Thạch Bàn và điều chỉnh cho các phương tiện đi vào các ngõ 541 Bát Khối, 33 Cổ Linh, 191 Thạch Bàn để giảm áp lực giao thông.
Cùng với đó, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp với phương án điều chỉnh tổ chức giao thông; bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng. Các vị trí còn lại cũng đều là các khu vực có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc triển khai xây dựng cầu vượt nhẹ là giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại các nút giao.
Trong giai đoạn 2026-2028, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 2 hầm chui đi dưới đường Vành đai 3 thuộc quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Hầm chui tại nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3 (Nam Từ Liêm) có tổng mức đầu tư gần 972 tỷ đồng. Công trình dài 565m, trong đó hầm kín dài 120 mét và phần còn lại là hầm hở. Hầm chui đường Tây Thăng Long-Vành đai 3 (Bắc Từ Liêm) có chiều dài hầm kín và hầm hở khoảng 800m, tổng vốn đầu tư gần 1.010 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2022-2026, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.
Các hạng mục sẽ đầu tư xây dựng gồm hầm chui theo hướng Vành đai 3,5 (đường Lê Trọng Tấn-nay là Hoàng Tùng) - Quốc lộ 32 với tổng chiều dài 975 m và 4 cầu nhánh với tổng chiều dài hơn 2.300m.
Tại quận Long Biên, nút giao Cổ Linh-cầu Vĩnh Tuy có vị trí trọng yếu, là điểm trung chuyển lưu lượng giao thông lớn từ Vành đai 2 kết nối với các tuyến vành đai khác của Hà Nội cũng sắp được xây dựng hầm chui.
Công trình được xây dựng theo hướng hướng Vĩnh Tuy đi đường Đàm Quang Trung với chiều dài khoảng 600m. Dự án có mức đầu tư gần 750 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Tiến độ thực hiện năm 2024-2026.
Diệu Anh