Xây dựng chữ ‘tín’ - nét văn hóa kinh doanh của Thủ đô

21/03/2023 3:34 PM

(Chinhphu.vn) - Với tư cách là Thủ đô của đất nước, Hà Nội có sứ mệnh rất cao cả và rõ ràng về xây dựng mô hình, kiểu mẫu phát triển kinh tế; không chỉ xây dựng nét đẹp văn hóa trong đời sống mà cần chú trọng cả trong văn hóa kinh doanh, trong đó, trọng tâm là chữ "tín".

Xây dựng chữ ‘tín’ - nét văn hóa kinh doanh của Thủ đô - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ảnh: VGP/GH

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" tổ chức ngày 21/3, một trong những chủ đề các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi là vị trí, vai trò đặc biệt của văn hoá Thăng Long - Hà Nội, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế,  giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là Thủ đô của đất nước, Hà Nội có sứ mệnh rất cao cả và rõ ràng về xây dựng mô hình, kiểu mẫu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, kết hợp yếu tố truyền thống dân tộc với yếu tố hiện đại quốc tế, để vừa phát triển Thủ đô, vừa làm động lực phát triển của cả nước và hội nhập quốc tế.

Xác định: "Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", vì vậy, Hà Nội cần đi đầu trong không chỉ xây dựng nét đẹp văn hóa trong đời sống mà cần chú trọng cả trong văn hóa kinh doanh, trong đó, trọng tâm là chữ "tín". Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng cần phát động phong trào mang tính văn hóa - văn minh trong giai đoạn tới.

"Cụ thể, phát động một phong trào rộng khắp xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ tín làm trọng", PGS.TS Bùi Tất Thắng chia sẻ.

Điểm mới trong kiến nghị này là ở tính toàn diện của chữ tín với các nội hàm đã nêu và là một phong trào mang đậm nét văn hóa của Thủ đô, gắn với chủ trương "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", với tất cả mọi người và tổ chức tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Để gây dựng phong trào này, thời kỳ đầu chắc chắn sẽ rất khó khăn. Vì là một nét đẹp văn hóa nên không ai phản đối và ai cũng nhận thấy lợi ích từ việc tất cả mọi người cùng làm như vậy. Vì thế, rất cần sự hỗ trợ mạnh từ quy định mang tính pháp luật và thực thi pháp luật, để cho những hành vi lừa đảo trong kinh doanh không thể tồn tại ở địa bàn Thủ đô", PGS.TS Bùi Tất Thắng nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Tất Thắng cũng kiến nghị, nên lập một Quỹ về xây dựng Văn hóa kinh doanh ở Thủ đô Hà Nội để hỗ trợ công tác truyền thông và khen thưởng. Nên đặt ra một giải thưởng danh giá về Kinh doanh văn minh. Hằng năm, cũng nên tổ chức trao giải kinh doanh văn minh cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn Thủ đô do người tiêu dùng bình chọn.

Xây dựng chữ ‘tín’ - nét văn hóa kinh doanh của Thủ đô - Ảnh 2.

Hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" tổ chức ngày 21/3 - Ảnh: VGP/GH

Vị thế là tài nguyên nổi bật của Thủ đô Hà Nội

Trao đổi tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, GS.TS Đỗ Thị Minh Đức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, tài nguyên vị thế là một tài nguyên đặc biệt nổi bật của Thủ đô Hà Nội.

Nguồn tài nguyên này làm cho các tài nguyên vốn có khác của Hà Nội, cả về tự nhiên, kinh tế-xã hội đều có thể thêm giá trị gia tăng. Việc nâng cao vị thế của Hà Nội gắn liền với vị thế của Thủ đô và vị thế của một trong hai Thành phố lớn nhất của cả nước, một trung tâm phát triển cấp quốc gia. Từ đó, các tác giả cho rằng việc triển khai các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch ngành của quốc gia, quy hoạch phát triển vùng, trong đó có quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội) đã có tác động hết sức quan trọng làm nâng cao tài nguyên vị thế của nội bộ Thành phố, đặc biệt ở vùng ven đô. Việc này nếu thực hiện hợp lý, có luận chứng khoa học sẽ đem lại nguồn lợi to lớn cho Thành phố.

Vùng Thủ đô với Thủ đô Hà Nội là đô thị hạt nhân đặc biệt và 9 tỉnh xung quanh là các đô thị vệ tinh gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang.

Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vùng có chức năng kinh tế tổng hợp của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ý nghĩa liên kết vùng và kết nối quốc tế sẽ làm tăng giá trị của tài nguyên vị thế Thủ đô.

Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở nước ta đã được hiện đại hóa nhanh. Đối với Thủ đô Hà Nội, cần đặc biệt phân tích ảnh hưởng của các tuyến đường: đường 18 nối Hà Nội với Quảng Ninh; đường 5, đường 5B nối Hà Nội với Hải Phòng. Sự phát triển của các cảng nước sâu ở Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ làm tăng thêm vị trí chiến lược của Hà Nội trong phát triển kinh tế.

Trao đổi về kết nối vùng trong phát huy nguồn lực văn hóa góp phần phát triển thương hiệu Thủ đô Hà Nội, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến, thực tiễn sau 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng và Nhà nước, đến nay, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh.

Hà Nội khẳng định vị thế của một đầu tầu kinh tế, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục xây dựng và phát triển Hà Nội cho xứng đáng với vị trí đầu nào chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học và giao lưu quốc tế, đóng vai trò đầu tàu của cả nước và thương hiệu thành phố sáng tạo, mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2025, Hà Nội cơ bản trở thành "thành phố công nghiệp hóa và hiện đại hóa"; năm 2030, phấn đấu trở thành thành phố "Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại"; đô thị phát triển năng động, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội cần khai thác và phát huy hiệu quả tất cả các nguồn lực và lợi thế phát triển. Ngoài tiềm lực vật chất về nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội cần phát huy cao độ những nguồn lực văn hóa của dân tộc do cha ông ta để lại. Đó là di sản văn hiến Thăng Long- Hà Nội, được tích lũy trong qúa trình xây dựng và phát triển đất nước, gắn liền với công cuộc kiến thiết và bảo vệ kinh thành qua các chặng đường lịch sử. Cùng với vị thế về chính trị-hành chính, các di sản và truyền thống văn hóa của Thăng Long-Hà Nội cũng trở thành động lực tinh thần nội tại, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu Thủ đô cho hôm nay và mai sau.

Theo GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, lịch sử đã trao cho Hà Nội một vị thế có một không hai, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước mà còn là trung tâm gắn kết, thống nhất văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.

Trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội có sự tham gia của vùng văn hóa, trên thế giới, việc quy hoạch các vùng đô thị trong mạng lưới quốc gia, cũng như từng thành phố thì bài toán văn hóa luôn được đề cao. Hơn nữa, với danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", "Thủ đô di sản" và ngày nay là "Thành phố sáng tạo", Thủ đô Hà Nội là cầu nối liên kết Việt Nam với thế giới. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của cả nước.

Với truyền thống, giá trị văn hóa lâu đời ,yêu chuộng hòa bình, đề cao chính nghĩa, thế và lực ngày càng tăng trên trường quốc tế, Hà Nội có nhiều "dư địa" để phát huy sức mạnh mềm. Trong tương lai, Hà Nội sẽ hướng tới trở thành Kinh đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, đưa thủ đô Hà Nội trở thành một trong những "điểm sáng" văn hóa của khu vực và thế giới. "Thành phố sáng tạo" là bước khởi điểm trong quá trình định vị sự phát triển của Hà Nội với tư cách là một Thủ đô sáng tạo.

Gia Huy

Top