Xây dựng chuỗi liên kết nông sản an toàn

05/08/2019 11:04 AM

(Chinhphu.vn) - Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, an toàn, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai xây dựng, phát triển nhiều vùng sản xuất thực phẩm an toàn, chất lượng theo chuỗi, liên kết sản phẩm với các vùng miền trên cả nước và đạt được hiệu quả cao.

Kết nối, tiêu thụ chuỗi nông sản an toàn. Ảnh: Thành Nam

Hiện Hà Nội đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất với gần 5.500 ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư; 25 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp; 148 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai hoạt động; có 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm an toàn, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, việc mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp những năm qua đã và đang được các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng quan tâm thực hiện góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Ở nhiều địa phương, thông qua việc hợp tác, liên kết sản xuất đã giúp bà con nông dân nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác.

Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân tham gia xây dựng chuỗi. Toàn thành phố hiện có 178 HTX, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nhiều HTX, tổ hợp tác thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Hà Nội cũng đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất tập trung; vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm hơn trước; giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; thị trường cơ bản ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi ngày càng hiệu quả hơn. Từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân của Thành phố.

Ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, những tháng đầu năm 2019, Sở và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội đã phát triển được 727 chuỗi, tăng 184 chuỗi so với cùng kỳ năm 2018. Riêng Hà Nội duy trì và phát triển được 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tại Hưng Yên, có 95 mô hình sản xuất thực phẩm an toàn được chứng nhận VietGAP... Các mô hình bước đầu đã có liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với các hệ thống phân phối tại Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.

Ngoài ra, rất nhiều các tỉnh, thành phố trên cả nước như Ninh Bình, Hòa Bình, Tuyên Quang…có nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn cung cấp cho thị trường Hà Nội. Đặc biệt, thông qua các chương trình kết nối đã xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hiện đại, ổn định.

Thiết lập kênh thông tin, hỗ trợ hình thành chuỗi tiêu thụ khép kín bền vững

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Thủ đô hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán,  tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt, nhất là ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn, ổn định... Do đó theo các chuyên gia nông nghiệp, để chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết nông sản phát triển hơn nữa thì cần thiết lập kênh thông tin để nắm bắt tình hình tiêu thụ, qua đó hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi tiêu thụ khép kín bền vững. Các đơn vị, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng thành phố Hà Nội trong kiểm soát, quản lý chất lượng từ khâu sản xuất đến chế biến, lưu thông, tiêu thụ…

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở triển khai thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP về hậu kiểm, công bố chất lượng sản phẩm, minh bạch chất lượng. Tăng cường quản lý chợ đầu mối. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh các chuỗi liên kết như hiện nay. Do đó, các tỉnh, thành phố có chuỗi liên kết với Hà Nội cần sớm có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng chuỗi, qua đó động viên, khuyến khích các chủ thể tham gia phát triển chuỗi.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo đơn vị trực thuộc và đề nghị các quận, huyện, thị xã duy trì, mở rộng các chuỗi đang có về quy mô và sản lượng; xây dựng mới, phát triển các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn; tiếp tục xây dựng vùng sản xuất tập trung theo quy trình sản xuất VietGAP…

Thành Nam

Top