Xây dựng hương ước, quy ước: Phuy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư

10/01/2022 5:39 PM

(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã góp phần mang lại một số hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư. Vì vậy, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn TP. Hà Nội, đưa việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đi vào cuộc sống.

Xây dựng hương ước, quy ước: Phuy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến “Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn TP. Hà Nội”. Ảnh: Gia Huy

Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết tại Hội nghị trực tuyến "Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn TP. Hà Nội" chiều 10/1.

Giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trên địa bàn Thành phố, tính đến tháng 7/2021, có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước (đạt tỷ lệ 87,5%), trong đó có 1.232 hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung.

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã góp phần mang lại một số hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương, dân tộc; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Nội dung các hương ước, quy ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội. Nhiều bản hương ước, quy ước đã thể hiện được tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư; khôi phục, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của thôn, làng, dòng họ; bài trừ nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được đã nói trên, việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn cũng còn có những hạn chế cần phải được điều chỉnh, khắc phục. Một số hương ước, quy ước có nội dung chưa đúng quy định pháp luật; xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân; nhiều hương ước sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại chính sách, pháp luật, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục của địa phương; việc xây dựng, thực hiện hương ước ở một số địa phương còn hình thức; nhiều nơi việc xây dựng, thực hiện hương ước không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà chủ yếu là để chạy theo bệnh thành tích.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Doãn Toản yêu cầu bức thiết đặt ra là cần có đánh giá tổng thể vấn đề về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn Thành phố, đưa việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đi vào cuộc sống.

Góp phần bãi bỏ các hủ tục lạc hậu

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các ngành, các cấp đối với việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở; trao đổi kinh nghiệm, những cách làm hay, những mô hình tốt trong việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở…

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương, bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hoà, huyện Ba Vì cho biết, tại địa bàn ở những ngày đầu thực hiện hiện quy ước, hương ước gắn thực hiện nếp sống văn minh của vùng đồng bào dân tộc gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do trình độ nhận thức một số nơi còn hạn chế, các hủ tục, phong tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức.

Vì vậy, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân xã Vân Hòa đã tích cực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa. Trong đó, việc xây dựng Quy ước, hương ước nêu rõ: Trong đám cưới không tổ chức ăn uống kéo dài, chỉ gói gọn trong 1 bữa với số lượng khách mời không quá 50 mâm. Lễ trạm ngõ, lễ hỏi, lễ xin dâu được cắt gọn không tổ chức rườm rà kéo dài nhiều ngày mà được kết hợp trong cùng với ngày cưới, không tổ chức mở nhạc sau 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng.

"Khi những quy ước, hương ước đi vào cuộc sống đã góp phần bãi bỏ các hủ tục lạc hậu", Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hoà Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ.

Từ các ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổng hợp ý kiến các tham luận tại Hội nghị để biên soạn tài liệu nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cơ sở về việc thực hiện quy ước, hương ước. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa phương, cụm dân cư.

Sở Văn hóa và Thể thao cần tiếp tục tăng cường, tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện hương ước, quy ước; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định. Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phù hợp với định hướng chung; đồng thời thể hiện được những nét riêng biệt, đặc thù của từng cộng đồng dân cư. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, đề nghị UBND các cấp huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình xây dựng hương ương, quy ước.

Hòa An

Top