Xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm

30/10/2024 6:27 PM

(Chinhphu.vn) - Chợ truyền thống, chợ dân sinh vốn thiết thân với mỗi người dân trong thói quen sinh hoạt, mua sắm thực phẩm hàng ngày. Nhưng việc quản lý vấn đề an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống này cũng là vấn đề cấp bách đặt ra cho chính quyền và đơn vị quản lý.

Xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm- Ảnh 1.

Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống là điều cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Để tiếp cận phương thức quản lý tiếp cận chuẩn quốc tế, vừa qua, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức mô hình chợ an toàn thực phẩm nằm trong Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển.

Đã hơn 20 năm kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Thượng Thanh (thuộc quận Long Biên), chị Nguyễn Thị Đông luôn quan tâm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, mua gà tại các công ty uy tín, có đầy đủ giấy tờ chứng nhận an toàn thực phẩm để kinh doanh. Khi quận Long Biên triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm áp dụng tại chợ Thượng Thanh, các khu bán hàng được quy hoạch theo từng ngành hàng, trang bị dụng cụ, bàn inox sạch sẽ và có quy chuẩn đồng phục riêng, niêm yết công khai giá cả và ngành hàng kinh doanh để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm, chị Nguyễn Thị Đông rất hào hứng.

Chợ Thượng Thanh hiện có 160 hộ tiểu thương kinh doanh, trong đó có 60 hộ kinh doanh mặt hàng thực phẩm. Ông Lê Ngọc Thêm, Trưởng Ban Quản lý chợ Thượng Thanh chia sẻ: Khi triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm, các hộ tiểu thương đã được tập huấn, nâng cao nhận thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và quy chuẩn chất lượng khi chế biến, kinh doanh mặt hàng thực phẩm.

Xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm- Ảnh 2.

Cùng với bảo đảm an toàn thực phẩm, việc giữ gìn văn minh tại các chợ truyền thống cũng được các địa phương rất quan tâm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Toàn quận Long Biên hiện có 26 chợ dân sinh, chợ truyền thống đang hoạt động với trên 2.000 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ. Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho hay, việc triển khai Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển tại 2 chợ Thượng Thanh và Kim Quan đang hỗ trợ tích cực để quận triển khai áp dụng mô hình quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh còn lại trong toàn quận.

Hiện nay, chợ đầu mối và chợ dân sinh đang phân phối khoảng 90% lượng thực phẩm và đảm bảo sinh kế cho nhiều tiểu thương. Tuy nhiên, nhiều chợ tại các địa phương đang gặp phải tình trạng xuống cấp về cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ kinh doanh thiếu thốn và chưa đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm.

Ông Đỗ Thanh Lâm, Giám đốc Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển cho biết, khi triển khai Dự án đã hỗ trợ rà soát, xây dựng các quy trình, thủ tục đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ, tuân thủ quy định của Việt Nam và học tập kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, các chuyên gia của SAFEGRO cũng tư vấn phân khu chức năng và sắp xếp ngành hàng trong chợ theo mức độ rủi ro an toàn thực phẩm. 

Bên cạnh đó, thay mới hoàn toàn kệ inox cho các sạp bán rau tại chợ Kim Quan; trang bị đầy đủ bồn rửa tay và xe chở rác cho cả hai chợ; cùng với việc cung cấp đồng phục, tạp dề, mũ, găng tay cho tiểu thương nhằm cải thiện vệ sinh cá nhân. Dự án cũng cung cấp quy trình, công cụ, hóa chất làm sạch và khử trùng cho thiết bị và không gian chung của chợ.

Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển nhằm hướng tới các giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp an toàn với giá cả phải chăng và cạnh tranh của người dân Việt Nam. Từ đó giúp cải thiện phúc lợi cho người tiêu dùng. Cùng với đó là hướng tới việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và tăng nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn tại Việt Nam.

Thiện Tâm

Top