Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ cộng đồng dân cư

07/10/2023 7:20 AM

(Chinhphu.vn) - Khi chính sách bắt nhịp được với cuộc sống, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang được các quận, huyện của Hà Nội triển khai hiệu quả.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ cộng đồng dân cư - Ảnh 1.

Nhà văn hóa thu hút các câu lạc bộ đến sinh hoạt, tập luyện biểu diễn - Ảnh: VGP/Gia Huy

Thu hút người dân sinh hoạt trong các câu lạc bộ văn hoá - thể thao

Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai hiệu quả từ các thôn, xóm, nhà văn hóa, các khu dân cư tại địa bàn Hà Nội.

Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), nhiều nhà nhà văn hoá phải xếp lịch để các câu lạc bộ văn hoá - thể thao đến sinh hoạt, luyện tập và biểu diễn.

Đây là kết quả của việc vận dụng chính sách vào thực tiễn, nắm bắt xu thế của UBND huyện Đông Anh. UBND huyện đã ban hành đề án Xây dựng, Quản lý và nâng cao chất lượng Nhà văn hoá - khu thể thao thôn, tổ dân phố giai đoạn 2017-2020, đề án Phát triển Văn hoá – Thể thao huyện Đông Anh giai đoạn 2020 – 2025.

Từ đó, quận đầu tư hạ tầng, kiện toàn bộ máy tổ chức là các Ban Chủ nhiệm, thành lập các Câu lạc bộ văn hoá - thể thao trực thuộc các xã, thị trấn. Đông Anh đã chú trọng đưa các hoạt động văn hoá, thể thao về các thôn, tổ dân phố, bảo tồn các môn thể thao, nghệ thuật truyền thống thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt, tập luyện.

Hiện nay, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Đông Anh có nhà văn hoá. Trong đó, có 153/155 nhà văn hoá thôn, 30/30 nhà văn hoá tổ dân phố đạt chuẩn với diện tích khuôn viên thấp nhất là khoảng 1000 m2; thành lập được 1.172 Câu lạc bộ văn hóa, thể thao. Riêng xã Cổ Loa có 15 thôn thì mỗi thôn có ít nhất 10 Câu lạc bộ văn hoá, thể thao, nghệ thuật…

Nhiều lực lượng nòng cốt, câu lạc bộ tuyên truyền về đời sống văn hóa

Thôn Khánh Tân nằm trên địa bàn xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai có trên 430 hộ gia đình chủ yếu làm nông nghiệp. Tại thôn, việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư không chỉ dừng lại ở việc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn vận động nhân dân tham gia xây dựng quy ước, hương ước để thực hiện tại thôn, xóm như: Vận động nhân dân về tổ chức việc cưới đảm bảo theo đúng qui định của luật hôn nhân và gia đình; việc tang tổ chức chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, và không quá 24 giờ, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm và phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và hoàn cảnh của từng gia đình, đảm bảo theo quy định của pháp luật và quy ước thôn văn hoá.

Tiểu ban chỉ đạo của thôn luôn tuyên truyền, vận động phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong thôn và các dòng họ đến từng gia đình để mọi người dân nâng cao nhận thức về phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Hàng tháng chi bộ đều có nghị quyết cụ thể chỉ đạo nên mọi phong trào phát huy có hiệu quả.

Lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động là các chi hội, như chi hội người cao tuổi tuyên truyền, vận động con cháu biết tôn sư trọng đạo trong gia đình và xã hội, giữ vững mối đoàn kết tình làng nghĩa xóm với tiêu chí " ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền" thực hiện tốt quy chế về lễ tang. Chi hội cựu chiến binh tuyên truyền vận động thanh niên làm tốt nghĩa vụ quân sự, bài trừ các tệ nạn xã hội giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Chi hội nông dân tuyên truyền, vận động các hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, phát huy mô hình kinh tế trang trại, vườn trại duy trì phát triển nghề phụ như: thợ xây, thợ hàn, thợ mộc và có trách nhiệm tổ chức tín chấp vay vốn cho hội viên phát triển kinh tế xây dựng hội nông dân, gia đình hội viên văn hóa.

Chi hội phụ nữ tuyên truyền và thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình duy trì và phát triển câu lạc bộ không sinh con thứ ba, câu lạc bộ hội viên giúp nhau làm kinh tế tốt, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trong thôn, chống mọi tệ nạn xã hội, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giữ gìn hạnh phúc gia đình, thực hiện nếp sống văn minh của người Hà nội ngàn năm văn hiến, gia đình văn hóa.

Tổ hội đồng nhân dân tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghị quyết của hội đồng nhân dân và nghị quyết của các cấp ủy Đảng, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến bức xúc của nhân dân, phản ánh kịp thời tới hội đồng nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế ở cơ sở

Các dòng họ chi tộc tại thôn được học tập và quán triệt tốt thực hiện tốt truyền thống quê hương, gia đình và xã hội để thực hiện tốt quy ước làng văn hóa, các chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ cộng đồng dân cư - Ảnh 2.

Liên hoan múa hát, biểu diễn cồng chiêng huyện Thạch Thất - Ảnh: Phòng VHTT huyện

Gìn giữ nét văn hóa đặc trưng

Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân (huyện Quốc Oai) Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, Tiến Xuân là một xã miền núi có 7 thôn. Đảng bộ nhân dân các dân tộc trong xã luôn bám sát sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, vượt qua khó khăn, thách thức, cán bộ và nhân dân trong xã xác định công tác vận động toàn thể các tầng lớp nhân dân xây dựng, giữ gìn văn hóa ở cơ sở, nhất là nét đẹp văn hóa đặc trưng các địa phương ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã Tiến Xuân luôn duy trì gìn giữ và phát triển các nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mường của Hà Nội. UBND huyện Thạch Thất đã hỗ trợ mỗi thôn một bộ Chiêng Mường và tủ trưng bày trang phục nam, nữ dân tộc Mường tại các nhà văn hóa. Hiện nay, mỗi thôn có từ 2 đến 4 bộ chiêng Mường, từ đó người dân điều kiện trong việc tập luyện, giữ gìn bản sắc dân tộc.

UBND xã ra quyết định thành lập câu lạc bộ Cồng chiêng với trên 300 thành viên tập luyện thường xuyên. Trong những dịp ngày lễ, ngày kỷ niệm, hội nghị, đám cưới, chị em phụ nữ rất phấn khởi mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường biểu diễn những tiết mục văn nghệ và biểu diễn những bài Chiêng mang đậm bản sắc dân tộc.

Để giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá những nét đẹp bản sắc dân tộc, 7/7 thôn đều có đội văn nghệ, các đội văn nghệ tập luyện các tiết mục phong phú, đa dạng, đặc biệt là các tiết mục mang đậm đà bản sắc dân tộc. Các thôn còn thành lập một đội văn nghệ văn hóa du lịch cộng đồng, gồm những cá nhân trên địa bàn xã có năng khiếu về văn hóa văn nghệ để tập luyện các tiết mục chuyên về bản sắc dân tộc Mường, phục vụ các chương trình giao lưu văn nghệ tại các sự kiện trong và ngoài địa bàn. Qua đây đã giới thiệu được những đặc trưng, nét đẹp của bản sắc truyền thống dân tộc, từ trang phục, ẩm thực, múa hát dân ca của dân tộc đến với du khách.

Đây là những hoạt động cũng như mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động các tằng lớp nhân dân phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được nhân rộng để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đến nay, cuộc vận động đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của mỗi người dân, mỗi gia đình làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh tại cộng đồng dân cư, bảo tồn, giữ gìn phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp.

Gia Huy

Top