Xây dựng quy chế làm việc theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

23/10/2024 9:35 AM

(Chinhphu.vn) - Quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội bảo đảm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng tính chủ động trong giải quyết công việc của chính quyền theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong Đảng…

Xây dựng quy chế làm việc theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sáng 23/10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 19 nhằm thảo luận cho ý kiến các nội dung: Bổ sung, sửa đổi Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa 17 và Quy định về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; cho ý kiến về Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa 17 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ 18 và công tác cán bộ.

Tăng tính chủ động trong giải quyết công việc

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, Quy chế làm việc của Ban chấp hành đảng bộ Thành phố được ban hành sớm ngay sau khi đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố thành công tốt đẹp.

Quá trình thực hiện quy chế đã được thực hiện nghiêm túc, phát huy tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành, Ban thường vụ, Thường trực Thành ủy và cá nhân các đồng chí ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ, đồng chí Bí thư Thành ủy, các phó bí thư thành ủy, đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ công tác của Thành ủy, Ban thường vụ, thường trực thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và trên mọi lĩnh vực, mọi mặt đời sống xã hội của Thành phố.

Quy chế làm việc của Ban chấp hành đảng bộ Thành phố cũng thường xuyên được bổ sung, sửa đổi nhằm phát huy hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Thành ủy.

Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố lần này tiếp tục bàn, thảo luận, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế làm việc của Thành ủy nhằm bổ sung một số nội dung mới do được Trung ương phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, bảo đảm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng tính chủ động trong giải quyết công việc của chính quyền theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không bao biện, làm thay chính quyền hoặc buông lỏng công tác lãnh đạo.

Đồng thời, để đảm bảo đồng bộ giữa các Quy chế, Quy định của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đề xuất ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Quy định số 12-QĐ/TU ngày 08/5/2023 về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử cho phù hợp với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Quy chế làm việc của Thành ủy.

Xây dựng quy chế làm việc theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền- Ảnh 2.

Hội nghị góp ý vào dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 18 - Ảnh: VGP/Gia Huy

Thảo luận để đưa giải pháp, các khâu đột phá nhiệm kỳ tới

Đối với dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 18, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, báo cáo chính trị rất quan trọng, là kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, là báo cáo trung tâm trong các văn kiện trình Đại hội Đảng, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chuẩn bị sớm để Ban chấp hành thảo luận.

Dự thảo báo cáo Chính trị lần 1 trình Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố hôm nay đã được Tiểu ban văn kiện chuẩn bị sớm, báo cáo và tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy.

Với tinh thần dân chủ, khách quan, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị tập trung thảo luận, tiếp tục góp ý để thống nhất về phương châm và chủ đề đại hội.

Về đánh giá, kiểm điểm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17, hội nghị cần thảo luận về đánh giá tình hình thế giới, khu vực, trong nước và thành phố có tác động, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố. Đánh giá ưu điểm, kết quả, thành tích đạt được, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến giải phóng nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Về mục tiêu tổng quát của Đại hội Thủ đo Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự thảo báo cáo chính trị đã bám sát vào kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội 17 của Đảng bộ Thành phố, bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ chính trị để đề ra mục tiêu tổng quát và đề ra 23 chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng và 6 nhiệm vụ, 3 khâu đột phá để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu sẽ được đề ra trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Hội nghị sẽ cho ý kiến về tính kế thừa, tính khả thi thể hiện trong các chỉ tiêu phấn đấu nhiệm kỳ tới có đảm bảo thực hiện được không; các nhiệm vụ, giải pháp, các khâu đột phá được đề ra đã đầy đủ chưa, cần nhấn mạnh, ưu tiên ở những nhiệm vụ nào.

Tại hội nghị, để kiện toàn bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 theo đúng cơ cấu hiện khuyết thiếu, Ban Thường vụ Thành ủy triển khai quy trình theo đúng quy định, hôm nay sẽ trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố bầu bổ sung 01 đồng chí vào Ủy ban kiểm tra Thành ủy để đảm bảo Ủy ban kiểm tra Thành ủy hoạt động theo quy định.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, những nội dung trình Hội nghị Ban chấp hành đảng bộ Thành phố lần này là những nội dung rất quan trọng, góp phần vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố cũng như đề ra những định hướng lớn cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô trong những năm tiếp theo.

Gia Huy

Top