Xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại

11/10/2020 1:52 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiệm kỳ 2015 - 2020 đánh dấu một bước phát triển mới của Hà Nội. Ở giai đoạn mới, Hà Nội quyết tâm chủ động đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới xây dựng Thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế, vai trò gương mẫu của Thủ đô.

Phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII khai mạc vào sáng ngày 12/10 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thành ủy Hà Nội đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Nổi bật là kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3%-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Sang giai đoạn 2020-2025, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thông qua thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ  đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới toàn diện mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nâng cao tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP lên khoảng 30% vào năm 2025.

Về mục tiêu cụ thể, Hà Nội đặt ra đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025: 7,5%-8,0%.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Giải thích về mục tiêu đến năm 2025, GRDP/người của Hà Nội đạt 8.300-8.500 USD, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết để xác định GRDP/người có nhiều căn cứ, trong đó có căn cứ cụ thể về tốc độ phát triển kinh tế của mỗi địa phương, cơ cấu kinh tế, số lượng dân cư.

Theo điều tra dân số năm 2019, dân số Hà Nội có hộ khẩu gần 8,1 triệu người. Ngoài ra, trung bình mỗi năm Thành phố gia tăng dân số cơ học khoảng 200.000 người, như vậy sau 5 năm tới có khoảng thêm 1 triệu người. Theo ông Phong, bài toán tính GRDP/người phải tính toán rất kỹ, phụ thuộc vào chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

Căn cứ vào tiềm lực cũng như các giải pháp mang tính khả thi trong giai đoạn tới, Hà Nội đặt ra mục tiêu GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Theo ông Phong, chỉ tiêu này đòi hỏi Hà Nội nỗ lực cố gắng phấn đấu lớn để đạt mục tiêu khi quy mô dân số Hà Nội đến năm 2025 là khoảng 10 triệu người.

Cũng để đạt mục tiêu trên, nhiệm kỳ 2020-2025,Thành ủy Hà Nội xây dựng 10 chương trình công tác. Chậm nhất cuối quý I, đầu quý II/2021 sẽ ban hành, triển khai 10 chương trình công tác này với mục tiêu sớm đưa nghị nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII vào thực hiện.

Trong đó có 3 chương trình mới: Thứ nhất là về phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhiệm kỳ 2020-2025; thứ hai là chỉnh trang và phát triển kinh tế đô thị; thứ 3 là bảo đảm an sinh xã hội, phát triển phúc lợi cho người dân bởi các chương trình công tác đều hướng đến nâng cao chất lượng mọi mặt cuộc sống của người dân.

Mục tiêu đô thị xanh, thành phố hiện đại

Theo Thành ủy Hà Nội, gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, 7 năm thực hiện Luật Thủ đô và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã giúp cho thế, lực và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Ở nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội đặt ra 3 khâu đột phá để phát triển. Trong đó, khâu đột phá đầu tiên ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Khâu đột phá thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp. Khâu đột phá thứ 3 là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Đối với mục tiêu này, trong thời gian qua, Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, đã tập trung thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về giải phóng mặt bằng; quản lý nhà chung cư; trật tự, văn minh đô thị; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, xây dựng đô thị.

Sau khi triển khai, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2019 đạt 86%; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được phát triển đồng bộ, hiện đại hóa, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ. Diện tích đất dành cho giao thông tăng, năm 2020 ước đạt 10,05% đất đô thị; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng được nâng lên, ước đạt 20,05% . Thành phố cũng hoàn thành Chương trình một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây xanh.

Ở nhiệm kỳ tiếp theo, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Trong đó, tập trung đổi mới công tác quy hoạch và tăng cường quản lý quy hoạch, đặc biệt là hoàn thành việc rà soát, tổng hợp quy hoạch để điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai xây dựng Quy hoạch thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Hoàn thành các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; khớp nối đồng bộ quy hoạch nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng, bổ sung các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh.

Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; quy hoạch các làng nghề truyền thống, các cụm công nghiệp làng nghề kết hợp phát triển du lịch, kinh tế nông thôn. Khai thác hiệu quả các khu vực cảnh quan thiên nhiên đẹp và hấp dẫn của vùng nông thôn kết hợp khai thác du lịch và các khu nghỉ dưỡng ngoại ô. Quy hoạch đồng bộ, tập trung thu hút đầu tư phát triển một số cụm du lịch: Ba Vì - Suối Hai, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa...

Để phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, Hà Nội sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kiểm soát cốt nền xây dựng, chống úng ngập; trong đó ưu tiên hạ tầng kết nối thuận lợi giữa khu vực trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh; kết nối liên vùng với các địa phương; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các đô thị vệ tinh và các huyện dự kiến thành lập quận bảo đảm đáp ứng tiêu chí quy hoạch đô thị theo quy định.

Ngoài ra, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông; tập trung đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 20%-25% diện tích đất đô thị (trong đó giao thông tĩnh 4%-6%), riêng ở các quận nội đô lịch sử đạt khoảng 10%-12%.

Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; tập trung các tuyến giao thông kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng để phát huy lợi thế của Thủ đô và các tuyến liên khu vực.

Các mục tiêu Hà Nội đặt ra ở nhiệm kỳ 2020-2025 và giai đoạn tiếp theo sẽ đưa Thủ  đô tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Gia Huy

Top