Xây dựng TP. Hà Nội thông minh: Cần đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng

30/11/2023 11:52 AM

(Chinhphu.vn) - Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, để xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội cần xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, giảm thiểu tình trạng phân tán, cát cứ dữ liệu, coi trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đất Thăng Long, tăng sự thân thiện con người với tự nhiên, hài hòa công nghệ, lấy phát triển toàn diện công dân thủ đô là điểm nhấn.

Xây dựng TP. Hà Nội thông minh: Cần đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng- Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: VGP/Minh Anh

Diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/11/2023, Hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023" do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức đã thu hút đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham gia với những chia sẻ, khuyến nghị thực sự hữu ích.

Bên lề Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ một số ý kiến của ông liên quan đến hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, thông minh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững của Thành phố.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng thành phố Hà Nội trong chủ trương cũng như xây dựng thành phố thông minh?

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Thành phố Hà Nội có chủ trương và hành động thực hiện xây dựng thành phố thông minh như ban hành Nghị quyết và kế hoạch chuyển đổi số từ năm 2022 và giữa năm 2023 để xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể. Đó là bước tiến quan trọng và lạc quan trong việc thực hiện xây dựng thành phố thông minh theo tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới. Hà Nội cũng đã có kế hoạch phát triển hệ thống giao thông thông minh được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, đưa vào hoạt động hệ thống cảm biến thông báo nhiệt độ, bụi mịn, du lịch thông minh, chiếu sáng thông minh… Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, hi vọng sẽ tạo sự ổn định về pháp lý để đẩy mạnh phát triển thành phố thông minh ở Hà Nội.

Xây dựng TP. Hà Nội thông minh: Cần đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng- Ảnh 2.

Hội nghị diễn ra trong hai ngày đã ghi nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: VGP/Minh Anh

Ông đánh giá như thế nào về nội dung xây dựng thành phố thông minh được các đại biểu đại diện cho các nước đến từ châu Á chia sẻ trong hội thảo? Hà Nội nên chọn mô hình nào hay có điều gì khác so với các mô hình được các đại diện chia sẻ?

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Các mô hình xây dựng thành phố thông minh được đại diện các nước chia sẻ tại hội thảo như Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan rất đa dạng và đặc sắc, cho thấy các quốc gia đầu tư đáng kể vào mục tiêu xây dựng thành công thành phố thông minh đồng bộ, bền vững và lấy bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân làm trung tâm. Việc tạo ra các nền tảng đồng bộ, quy trình hiệu quả và các ứng dụng tiện lợi được phát triển trong hệ sinh thái số vừa thuận tiện trong cuộc sống đô thi văn mình, vừa thuận tiện trong quản lý, tiết kiệm chi phí, thời gian và giảm lãng phí. Cơ sở dữ liệu được xây dựng đầy đủ và các công ty công nghệ tham gia tích cực, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm chí phí, thời gian cho người dân, hướng tới cuộc sống tiêu chuẩn cao. Mỗi quốc gia có đặc thù riêng như Singapore đồng nhất xây dựng thành phố thông minh với xây dựng quốc gia thông minh. Malaysia có lợi thế của quốc gia có hàng trăm thành phố đang xây dựng thành phố thông minh. Indonesia đầu tư vào xây dựng hệ sinh thái thành phố thông minh đồng bộ cả nước và quan niệm mỗi người dân là một cảm biến. Ấn Độ với chương trình đồ sộ xây dựng thành phố thông minh dựa trên thế mạnh của cường quốc về công nghệ thông tin. Thái Lan gắn xây dựng thành phố thông minh với kinh tế sáng tạo và thân thiện với thiên nhiên.

Mỗi quốc gia có đặc thù riêng nhưng chủ yếu lấy tiến bộ công nghệ dựa trên thực tế ảo tăng cường để phục vụ hoạt động, sinh hoạt công dân, hoạt động doanh nghiệp và quản lý nhà nước phù hợp. Tuy nhiên, Hà Nội có đặc thù riêng nên cần lựa chọn những kinh nghiệm phù hợp của các nước áp dụng, nhất là xây dựng nền tảng phù hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, giảm thiểu tình trạng phân tán, rời rạc, chia cắt, cát cứ dữ liệu, coi trọng giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đất Thăng Long, tăng sự thân thiện con người với tự nhiên, hài hòa công nghệ với tự nhiên, lấy phát triển toàn diện công dân thủ đô là điểm nhấn.

Xin ông cho biết những vấn đề khó khăn cũng như thuận lợi của Hà Nội hiện nay trong xây dựng thành phố thông minh?

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Hà Nội có nhiều thuận lợi cơ bản như có nhiều quốc gia đã đi trước nên có thể học hỏi, giải mã kinh nghiệm để áp dụng, phát huy các thực tiễn tốt từ các nước, đó là từ chiến lược phát triển, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, mạng, trí tuệ nhân tạo, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Thuận lợi còn có thể kể đến như giao lưu thông tin và tri thức quốc tế về thành phố thông minh, cập nhật nhanh chóng tiến bộ công nghệ và có nhiều tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước có trụ sở tại Hà Nội… Khó khăn là việc xác định đúng mô hình thành phố thông minh hay rộng hơn là hệ sinh thái đô thị thông minh để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và xác định tính chất sở hữu về dữ liệu có phải tài sản thuộc sở hữu toàn dân hay sở hữu tư nhân và cá nhân, bên cạnh đó là vấn đề phát triển nền tảng trực tuyến thành phố thông minh, mô hình phân cấp quản lý phù hợp, việc bảo tồn giá trị văn hóa thủ đô để chúng tỏa sáng trong đô thị thông minh một cách "thông minh" nhất, tạo dựng giá trị văn hóa đô thị thông minh đậm đà hương vị Thủ đô...

Để xây dựng thành phố thông minh cần huy động những nguồn lực gì? Theo ông, Hà Nội có đủ nguồn lực cho câu chuyện này không?

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Có nhiều nguồn lực cần huy động gồm nguồn lực hoạch định chiến lược, chính sách, cơ chế phát triển thành phố thông minh, nguồn lực thực hiện tác nghiệp trong đô thị, nguồn lực công nghệ cao đủ để xây dựng nền tảng, quy trình và ứng dụng đô thị thông minh theo những yêu cầu được quy định trong Luật Thủ đô, nguồn lực tài chính để đầu tư nâng cấp thiết bị thông minh, giáo dục nhân lực hiệu quả theo hướng ngày càng hoàn thiện. Điều đặc biệt là, theo quan điểm cá nhân tôi, Hà Nội luôn có đủ các nguồn lực này, chỉ cần có cơ chế huy động và phát huy hiệu quả. Thành công huy động nguồn lực của Hà Nội sẽ là khung tham chiếu quan trọng cho các địa phương khác.

Theo cá nhân ông, cần có những giải pháp quan trọng nào để thúc đẩy hay tạo ra những đột phá trong xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội?

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Cần đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng. Trong dài hạn, cần xác định mô hình đô thị thông minh tối ưu vừa mang đầy đủ tiêu chuẩn đô thị thông minh, kết hợp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống cao đẹp của Thủ đô. Mô hình này phải phù hợp với chiến lược cải thiện đáng kể vị thế và phát triển Thủ đô trong tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, coi trọng việc huy động đủ nguồn lực về công nghệ cao, tài chính mạnh, nhân lực trình độ cao với phương thức phù hợp để thực hiện mục tiêu đặt ra. Trong ngắn hạn, cần đẩy mạnh số hóa và chuyển đổi số để các hoạt động được vận động nhiều nhất trên không gian mạng, xây dựng chính quyền đô thị thông minh, công dân thủ đô số, doanh nghiệp số, hệ sinh thái số. Những hoạt động này cần vận hành đồng bộ, có khả năng tích hợp với các nền tảng của các địa phương khác trong cả nước và cả với quốc tế; đồng thời cần xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học, đầy đủ, tin cậy và an toán cũng như phương thức khai thác dữ liệu hiệu quả. Đặc biệt cần cơ chế chính sách quản lý cần điều chỉnh phù hợp với mô hình, bộ máy quản lý linh hoạt, tinh gọn và thân thiện.

Xin cảm ơn ông!  

Minh Anh

Top