Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh

11/12/2024 10:16 AM

(Chinhphu.vn) - Những năm qua, TP. Hà Nội không ngừng đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho các em học sinh; qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong chấp hành pháp luật về giao thông, phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong trường học.

Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh- Ảnh 1.

Phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh. Ảnh: Internet

Nhiều học sinh còn thiếu ý thức khi tham gia giao thông

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm có tới 2.000 thanh thiếu niên thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên cả nước. Học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông kể trên. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng.

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường của Thủ đô, vào những giờ học sinh đến lớp và tan trường, không khó để bắt gặp hình ảnh những học sinh diện nguyên trên người bộ đồng phục, thản nhiên tham gia giao thông trên những chiếc xe phân khối lớn. Thậm chí, nhiều em còn không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng trên đường. Tâm lý manh động, chống người thi hành công vụ cũng thể hiện rất rõ ở lứa tuổi này.

Bên cạnh đó, hiện tượng học sinh chưa đủ 18 tuổi sử dụng xe máy trên 50 phân khối cũng ngày càng tăng. Đến bãi gửi xe của các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ dễ dàng nhận thấy tình trạng này.

Dù lực lượng chức năng đã nỗ lực xử lý nhưng tình trạng vi phạm chỉ lắng xuống một thời gian rồi lại tiếp tục tái diễn.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức yếu kém về nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia giao thông, cộng với tâm lý bốc đồng của tuổi mới lớn khiến không ít người trẻ sẵn sàng phạm luật; do thiếu sự quan tâm, giáo dục và quản lý từ các bậc phụ huynh; việc giáo dục ý thức cho học sinh, sinh viên trong nhà trường cũng chưa được quan tâm đúng mức….

Cần sự chung tay của nhà trường và phụ huynh

Để góp phần giúp học sinh nâng cao ý thức đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời xây dựng văn hóa giao thông từ nhà trường, thời gian qua, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, hiện có không ít các mô hình tuyên truyền hay, hiệu quả được triển khai, từ đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh.

Đơn cử, tại quận Ba Đình, để duy trì thói quen chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với phụ huynh và học sinh, Công an quận thường xuyên triển khai cán bộ tuần tra, ứng trực tại khu vực các trường học để nhắc nhở, tuyên truyền đến phụ huynh cũng như học sinh trong việc điều khiển phương tiện đúng quy định.

Ngoài việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Công an quận Ba Đình cũng tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến học sinh như: Điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn, đặc biệt xử lý nghiêm những trường hợp phụ huynh chở con đi học không đội mũ bảo hiểm vi phạm hoặc các hành vi vi phạm khác.

Bên cạnh công tác xây dựng văn hóa giao thông trong trường học, mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" cũng là mô hình được quận Ba Đình nhân rộng nhằm nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc giám sát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh…

Tuy nhiên, để văn hóa giao thông thực sự có ảnh hưởng lớn trong học sinh, sinh viên, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường học cần có sự quan tâm hơn trong công tác giám sát, theo dõi, phát hiện và biểu dương cái tốt, cái tích cực, kịp thời phê phán, lên án và chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên.

Thêm vào đó, việc giáo dục kiến thức pháp luật an toàn giao thông phải được thực hiện xuyên suốt trong từng năm học, từng cấp học chứ không nên chỉ triển khai ở giai đoạn đầu của ngày khai trường hay trong Tháng an toàn giao thông.

Đặc biệt, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông với học sinh rất cần có sự phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và lực lượng chức năng. Bởi, phụ huynh chính là tấm gương cho con cái noi theo, nếu phụ huynh chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, con em sẽ học hỏi và hình thành thói quen tuân thủ luật giao thông.

Đây là môi trường rất thuận lợi giúp cho học sinh có thể thu nhận được những kiến thức cần thiết về pháp luật nói chung và vấn đề an toàn giao thông nói riêng, giúp học sinh ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, tạo hình ảnh đẹp trong mắt mọi người khi tham gia giao thông…

Cùng với đó, một nguồn lực sẵn có mà các cơ quan chức năng, các đơn vị có thể tận dụng để tiếp cận gần hơn với người trẻ chính là thông qua các trang mạng xã hội. Việc cập nhật thông tin, hình ảnh về tai nạn giao thông; xây dựng kế hoạch tuyên truyền về an toàn giao thông... trên mạng xã hội sẽ gần gũi với giới trẻ và có thể đem đến hiệu quả thay đổi về nhận thức tốt hơn.

Có thể khẳng định, xây dựng văn hóa giao thông sẽ góp phần tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, an toàn và thân thiện cho con người; qua đó kêu gọi mọi người tự giác bảo vệ tính mạng, tài sản và sức khỏe của chính mình bằng những hành động thiết thực khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng đến xây dựng văn hoá giao thông ngay từ trong các trường học trên địa bàn Hà Nội đã và đang mang lại hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên và phụ huynh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Diệu Anh

Top