Xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông

28/03/2024 1:07 PM

(Chinhphu.vn) - An toàn giao thông luôn là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Dù các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn giao thông, làm chết và bị thương nhiều người vẫn xảy ra, để lại là nỗi đau cho người thân, thêm gánh nặng cho xã hội. Do đó, việc xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông luôn được coi là mục tiêu quan trọng.

Nhiều biện pháp xây dựng văn hóa giao thông

Xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông- Ảnh 1.

Người dân cần nâng cao ý thức, văn hóa chấp hành giao thông. Ảnh: VGP/DA

Theo thống kê, tại Thủ đô Hà Nội, mỗi ngày có từ hơn 100 vụ tai nạn giao thông, trong đó vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông xuất phát từ việc tuân thủ luật lệ của người tham gia giao thông rất kém, nhiều trường hợp bị xử lý vì vi phạm giao thông liên quan đến vi phạm nồng độ cồn; nhiều trường hợp do đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng…

Với mục tiêu hướng tới một đô thị phát triển, văn minh, Hà Nội không thể không xây dựng văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông sẽ góp phần tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, an toàn, thân thiện trong đó mọi người cần phải tuân thủ Luật Giao thông cũng như có ý thức để tự giác bảo vệ tính mạng, tài sản và sức khỏe của chính mình.

Việc ứng xử văn minh trong giao thông không chỉ là nét đẹp của người Hà Nội mà còn là chìa khóa để mỗi người tự bảo vệ bản thân, cuộc sống và mở ra những cánh cửa tốt đẹp của tương lai phía trước.

Nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là vận dụng triệt để thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao văn hóa giao thông, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch xây dựng và phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Theo đó, phấn đấu mỗi người dân là một "tuyên truyền viên", "cộng tác viên" đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phát huy dân chủ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để huy động người dân tham gia.

Phong trào được triển khai trên phạm vi toàn TP. Hà Nội, tuyên truyền nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn cách thức nhận diện, vận động người dân chủ động phát hiện, kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; Đón trả khách không đúng nơi quy định; Xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, "cơi nới" thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; Hoạt động không đúng giờ quy định (bao gồm cả xe chở rác); Xe ô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cáp trên đường cao tốc; Ô tô, xe máy lạng lách, đánh võng gây mát an toàn giao thông...

Ngoài ra, vấn đề nâng cao ý thức bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong nhà trường thời gian qua đã được nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn đẩy mạnh. Qua đó, tích cực tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức khác nhau và đã có không ít các mô hình tuyên truyền hay, hiệu quả được triển khai, từ đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh…

Xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông- Ảnh 2.

Tích cực tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Ảnh: VGP/DA

Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn

Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề xuyên suốt 2 năm qua trong chương trình Hưởng ứng năm an toàn giao thông do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động đều liên quan đến văn hóa giao thông. Điều đó cho thấy sự coi trọng của chính quyền, cũng như sức nặng của văn hóa giao thông trong các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông nói chung, an toàn giao thông đường bộ nói riêng.

Bởi dù có dùng biện pháp gì, cách thức ra sao thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông, xô xát khi lưu thông trên đường là do ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông chưa cao. Do đó, xây dựng văn hóa giao thông được coi là giải pháp tối ưu để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, tạo môi trường giao thông an toàn.

Có thể thấy, xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về lâu dài, việc tuân thủ pháp luật về giao thông của người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn. Khi văn hóa giao thông của cả cộng đồng được nâng lên thì những hành vi sai trái, hỗn loạn trên đường sẽ bị cộng đồng lên án, tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông sẽ giảm.

Thế nhưng, để làm được điều này trước hết các cơ quan chức năng cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức, văn hóa giao thông cho người dân khi tham gia giao thông. Đồng thời, cần xử lý nghiêm minh, răn đe những trường hợp bất chấp quy định vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông và gây nguy hiểm cho người khác…

Theo TS. Lê Thu Huyền (Trường Đại học Giao thông vận tải), phần lớn các nước trên thế giới đều có quy định nghiêm ngặt kiểm soát một số hành vi có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông. Tại hầu hết các quốc gia thực hiện thành công việc kiểm soát các hành vi vi phạm đều có điểm chung là: Quy định pháp luật cụ thể, chi tiết cho từng hành vi; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

"Để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông đúng mực và an toàn, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp. Từ đó, cho phép thay đổi nhận thức và thói quen của người tham gia giao thông", TS. Lê Thu Huyền nhấn mạnh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền an toàn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông trên địa bàn Thủ đô, Ban An toàn giao thông TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông năm 2024 với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn".

Theo đó, tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cần tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp chặt chẽ với xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên tinh thần thượng tôn pháp luật; coi xử phạt vi phạm hành chính và xử lý kỷ luật là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả…

Thực tế cho thấy, để tạo dựng văn hóa giao thông không thể trong ngày một, ngày hai mà cần sự kiên trì từ cơ quan quản lý cũng như chính người dân. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm cũng là giải pháp cần được tăng cường hơn nữa.

Diệu Anh

Top