Xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo

17/04/2024 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ở những nơi để xảy ra “điểm nóng” về giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu nhằm phát hiện và xử lý kịp thời đối với các cá nhân có hành vi trì hoãn, kéo dài trong công tác này.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo- Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tiếp công dân định kỳ - Ảnh: HNP

Khiếu nại, tố cáo vẫn còn tiềm ẩn phức tạp

Theo UBND TP. Hà Nội, thời gian qua, các cấp, các ngành của Thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), đã tạo được sự chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết các vụ việc KNTC được nâng cao.

Lãnh đạo UBND Thành phố luôn duy trì lịch tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ Ba tuần thứ 3 hàng tháng tại trụ sở Ban Tiếp công dân Thành phố, đồng thời lãnh đạo UBND Thành phố tiếp thu ý kiến của công dân, chỉ đạo xem xét, kết luận, quyết định giải quyết chính xác các vụ việc; yêu cầu các đơn vị tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, nhất là trong việc phối hợp giải quyết các vụ KNTC đông người, phức tạp.

Tính riêng năm 2023, các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp 22.858 lượt công dân (giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Thực hiện quy định về việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất của thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp 11.751 lượt công dân (tăng 6,5% so với cùng kỳ), trong đó: lãnh đạo UBND Thành phố tiếp 134 lượt công dân; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, sở, ngành tiếp 11.617 lượt công dân (cấp huyện: 6.898 lượt, cấp xã: 4.570 lượt, sở, ngành: 149 lượt). Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố tổ chức tiếp, đối thoại với công dân; nghe các đơn vị báo cáo để kịp thời chỉ đạo giải quyết đối với một số vụ việc KNTC đông người phức tạp.

Các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp 75 lượt đoàn đông người với 37 vụ việc KNTC (từ 10 người trở lên) tăng 20 vụ việc so với năm 2022. Nội dung KNTC chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giao đất dịch vụ, đầu tư trái phiếu và chuyển đổi mô hình, xây dựng một số chợ. Lãnh đạo UBND Thành phố đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã có liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các vụ KNTC theo đúng quy định, đề xuất phương án giải quyết có lý, có tình, có tính khả thi cao, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là các vụ phức tạp, đông người.

Năm 2023, toàn Thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 4.079 vụ KNTC, tăng 21,3%, (gồm 2.628 vụ khiếu nại, 1.451 vụ tố cáo); đã giải quyết 2.517 vụ (gồm 1.615 vụ khiếu nại, 902 vụ tố cáo), đạt tỷ lệ 61,7%. Nhìn chung, số còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật.

Việc giải quyết KNTC được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo khách quan, chính xác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. Qua giải quyết KNTC, các cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý một số sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng... bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên toàn Thành phố.

Đánh giá của UBND TP. Hà Nội cho thấy, tình hình KNTC vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, chủ yếu phát sinh trong quá trình thu hồi đất thực hiện một số dự án phát triể n giao thông, đô thị, chuyển đổi mô hình một số chợ thành trung tâm thương mại, giao đất dịch vụ…

Một số công dân chưa nhất trí, gửi đơn KNTC đến các cấp chính quyền để yêu cầu xem xét, giải quyết. Vẫn còn tình trạng công dân tập trung KNTC đông người, gây ảnh hưởng trật tự công cộng tại trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước của Trung ương và Thành phố.

Tăng cường tiếp và đối thoại với công dân

Năm 2024, để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc KNTC, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo tăng cường tiếp và đối thoại với công dân nhất là vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, không để phát sinh thành "điểm nóng" gây phức tạp về an ninh, trật tự; nghiêm túc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo.

Đặc biệt, trong tháng 42024, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội" năm 2024.

Kế hoạch này đặt mục tiêu các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh ngay tại cơ sở, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, không để phát sinh thành "điểm nóng'’ và đây là công việc được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, tổ chức Đảng, các địa phương, cơ quan, đơn vị của Thành phố.

Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, đôn đốc giải quyết vụ việc khiếu kiện nổi cộm, phức tạp, kéo dài, còn tồn đọng, tiềm ẩn gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xem xét trách nhiệm của những nơi để xảy ra "điểm nóng", chậm giải quyết các vụ việc dân sinh bức xúc, nổi cộm. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định pháp luật, kịp thời xử lý các tình huống khi phát sinh các đoàn công dân khiếu nại, tố cáo đông người, hạn chế tối đa các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất.

Năm 2024, Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường thanh tra công vụ trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước. Kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, chủ động rà soát, phát hiện các hạn chế, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước để kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, không để phát sinh khiếu nại, tố cáo gây mất ổn định, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp. Bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ nghiệp vụ, khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu và chấp hành pháp luật. Bố trí trụ sở, trang bị phương tiện và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Gia Huy

Top