Xóa chợ cóc, chợ tạm: Cần thay đổi thói quen mua bán

15/09/2017 3:30 PM

(Chinhphu.vn) – Với tâm lý muốn mua rẻ và tiện đâu mua đấy của người dân, cùng những bất cập trong quy hoạch, quản lý… đang là nguyên nhân khiến chợ cóc, chợ tạm tái họp sau thời gian ngắn giải tỏa. Để giải quyết triệt để tình trạng này, ngoài nỗ lực của chính quyền cũng cần sự góp sức của người dân trong việc thay đổi thói quen mua sắm.

Người dân vẫn còn thói quen tiện đâu mua đấy. Ảnh: Thùy Linh

Chợ cóc, chợ tạm lại “hồi sinh”

Cùng với việc thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị, thời gian qua, các cấp chính quyền từ Thành phố đến các quận, huyện, các xã, phường đã vào cuộc quyết liệt nhằm chấn chỉnh việc  lấn chiếm lòng, vỉa hè để kinh doanh tại Hà Nội. Tuy nhiên sau một thời gian tạm lắng, tại nhiều địa bàn, các chợ cóc, chợ tạm lại tái họp, ảnh hưởng không nhỏ đối với đời sống của những người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào mỗi buổi sáng tại nhiều khu tập thể cũ ở các phường như Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), Ngọc Lâm (quận Long Biên), Thành Công (quận Ba Đình), Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân)... không khó để bắt gặp chợ cóc, chợ tạm hoạt động tấp nập trong các ngõ nhỏ, đường vào khu tập thể. Tình trạng này cũng xuất hiện tại các khu chung cư mới trên địa bàn Thành phố. Nhiều dự án chung cư cao tầng như khu đô thị Linh Đàm, khu chung cư Dương Nội (Hà Đông)... sau một thời gian cư dân chuyển về sinh sống, đã hình thành "chợ cóc" bám dọc theo các tuyến đường hoặc sát các nhà chung cư.

Chị Hoa, một tiểu thương có sạp hàng trong chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho biết, tâm lý người dân vẫn thích sự tiện lợi nên họ thường mua luôn của các hàng ở khu chợ cóc. “Mặc dù chính quyền nhiều lần đi dẹp nhưng được một thời gian, những người buôn bán hàng rong lại tụ tập thành “chợ cóc” khiến chúng tôi chịu thiệt thòi”, chị Hoa phàn nàn.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Công Thương, chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng, toàn Thành phố đã giải tỏa được 94/213 điểm chợ tạm, chợ cóc. Một số quận, huyện như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Oai đã sạch "chợ cóc", những điểm chợ còn lại sẽ tiếp tục xử lý trong thời gian tới.

Bà Lan cũng thông tin thêm: “Hiện có 7 chợ tạm và 13 chợ cóc được UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị cho tạm tồn tại để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương trong khi chờ hoàn thành xây dựng, cải tạo chợ theo quy hoạch”.

Mặc dù đó cũng phải thừa nhận rằng, việc giải tỏa chợ tạm, "chợ cóc" lâu nay chủ yếu giao cho UBND các phường, xã, trong khi lực lượng mỏng, thiếu kinh phí, chế tài xử phạt nhẹ, chính quyền địa phương đôi lúc chưa quyết liệt...

Vận động người dân thay đổi thói quen mua, bán

Để giải quyết triệt để tình trạng chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen mua, bán; quy hoạch các hộ kinh doanh vào chợ dân sinh đã xây dựng.

Tuy nhiên, trong xử lý chợ cóc, chợ tạm ở Hà Nội, việc cưỡng chế xét đến cùng mới chỉ là giải quyết phần “ngọn” bởi vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là bài toán mưu sinh của người người buôn bán tại các chợ này khi đa phần họ là những người nông dân nghèo từ quê lên kiếm sống. Chính vì thế, các cấp chính quyền cũng cần quan tâm tạo điều kiện cho người dân vào buôn bán tại các khu chợ tập trung để vừa giúp họ bảo đảm đời sống vừa từng bước khắc phục một cách triệt để các khu chợ cóc, chợ tạm.

Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra xử lý vi phạm, Thành phố cũng yêu cầu các cấp, ngành rà soát quy hoạch; cải tạo chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ; tổ chức, sắp xếp lại chợ tạm, bố trí chợ dân sinh để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân.

Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm chợ cóc trên địa bàn, báo cáo định kỳ hằng tháng về Sở Công Thương để tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị, UBND các địa phương khẩn trương rà soát quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm phù hợp để đầu tư xây dựng chợ mới, bảo đảm khi di dời chợ tạm và xóa bỏ chợ cóc, sẽ có chợ dân sinh hoạt động đúng quy định.

Đối với người tiêu dùng, cũng cần xây dựng thói quen tìm đến các khu chợ tập trung, chợ chính, các trung tâm thương mại thay vì mua hàng ở các chợ cóc, chợ tạm. Đây không chỉ là việc làm vì sức khoẻ của chính bản thân người tiêu dùng mà còn là cách góp sức hữu ích trong việc loại bỏ chợ “cóc”, chợ tạm, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh-sạch-đẹp.

Thùy Linh

Top