Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
(Chinhphu.vn) - Sau khi kiểm tra đột xuất vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại huyện Hoài Đức, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 TP. Hà Nội đã phát hiện ra nhiều sai phạm và yêu cầu các cơ sở tạm dừng hoạt động.
Chiều ngày 7/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP. Hà Nội đã làm việc với UBND huyện Hoài Đức về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Hiện trên địa bàn huyện Hoài Đức có 2.061 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm được công nhận. Tổng cơ sở được kiểm tra, giám sát là 66; qua đó, phát hiện và xử lý 34 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 593 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 322 triệu đồng; chuyển 1 vụ sang cơ quan công an điều tra.
Qua kiểm tra cho thấy, các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm. Hay một số cơ sở sử dụng người trực tiếp sản xuất thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hóa nhập lậu; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Ngày 7/1, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của Thành phố đã kiểm tra đột xuất 2 cơ sở là: Công ty CP Thương mại & Công nghiệp thực phẩm Đức Vinh (cơ sở sản xuất snack, bánh ngũ cốc, bánh ngũ cốc phủ socola, kẹo Socola và Công ty CP Công nghiệp thực phẩm An Đông (sản xuất bánh ngũ cốc, kẹo cứng) tại xã La Phù, huyện Hoài Đức đều phát hiện nhiều tồn tại.
Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, tính đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 Thành phố đã kiểm tra đột xuất 6 cơ sở. Tất cả 6 cơ sở đều không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đoàn đã yêu cầu các cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục lỗi vi phạm.
Qua kiểm tra thực tế, điển hình tại như Công ty cổ phần Thương mại và Công nghiệp thực phẩm Đức Vinh, khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, không theo quy tắc 1 chiều; không phân khu riêng biệt; không khép kín. Các loại bim bim được đổ xuống sàn đất két bẩn dầu mỡ, công nhân dùng tay không bốc sản phẩm đóng gói. Tại phòng pha chế phụ gia, sản phẩm hết sức bẩn, có xác chuột chết và bốc mùi hôi thối.
Ngoài ra, đội ngũ công nhân ở đây đều không được trang bị thiết bị bảo hộ chuyên dụng để làm việc; công ty cũng không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc một số loại phụ gia, nguyên liệu.
Tại cuộc làm việc với huyện Hoài Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà đã nêu rõ, quan điểm của Thành phố là tăng cường kiểm tra và tập trung kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như huyện Hoài Đức.
Đối với những cơ sở qua kiểm tra phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức phải xử phạt, đồng thời yêu cầu cơ sở khắc phục tất cả nội dung đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Sau đó, đoàn kiểm tra báo cáo về Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Thành phố. Cơ quan chức năng của huyện phải giám sát, theo đến cùng việc khắc phục sai phạm của cơ sở và Thành phố sẽ tái kiểm tra để xem xét kết quả khắc phục.
Theo bà Vũ Thu Hà, để thực hiện tốt hơn công tác quản lý an toàn thực phẩm, cần phải xử lý vi phạm nghiêm túc, công khai, không được bao che, để các cơ sở phải nhận thức ra sai phạm và sửa sai.
Đối với làng nghề La Phù, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát mang tính tổng thể, phải công bố công khai các vi phạm. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn và phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, các mức xử lý vi phạm… đối với các cơ sở. Sau khi tập huấn, tuyên truyền, chính quyền địa phương cần kiểm tra lại xem cơ sở thực hiện đến đâu. Nếu cơ sở cố tình sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm.
Đối với các đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán 2025 là "thời gian vàng" để tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo và các mặt hàng phục vụ Tết.
Đẩy mạnh kiểm tra vào dịp sau Tết và mùa lễ hội, kiên quyết không để các mặt hàng kém chất lượng kịp lưu thông trên thị trường.
Thiện Tâm