Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Hà Nội tiếp tục tăng so với cùng kỳ
(Chinhphu.vn) - Trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Hà Nội đạt 1,932 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng, các chủ thể trong chuỗi được cấp mã số vùng trồng, cấp các giấy chứng nhận áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Hà Nội đạt 1,932 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó Hà Nội có 300 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và tại các tỉnh, thu mua nguyên liệu các tỉnh, thành phố để đóng gói, xuất khẩu.
Msố sản phẩm nông sản xuất khẩu chính như: Quế, hồi, gia vị (tỏi, gừng, ớt). Sản phẩm chè xanh, chè đen: Các doanh nghiệp xuất khẩu thu gom sản phẩm có nguồn gốc từ Thái Nguyên, Lai Châu... Hay sản phẩm cà phê, các doanh nghiệp xuất khẩu thu gom sản phẩm có nguồn gốc từ Lâm Đồng, Sơn La, Đắc Lak, Điện Biên, Quảng Trị... như Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tiến Berest có 4 vùng nguyên liệu lớn với chuỗi quy trình khép kín trồng trọt – chế biến – tiêu thụ (tại Sơn La thu mua 19.500 tấn cà phê nhân chiếm 51% sản lượng cuả vùng), tại Điện Biên thu mua 840 tấn chiếm 31%, tại Lào hiện đang thu mua 1.700 tấn chiếm 14% sản lượng của vùng).
Về sản phẩm rau, củ, quả, trái cây, các doanh nghiệp xuất khẩu thu gom sản phẩm có nguồn gốc từ Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Sơn La, Lâm Đồng... Sản phẩm nông sản khác như gạo, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu, tinh bột sắn thu gom sản phẩm có gốc từ các tỉnh phía Bắc, Đồng Bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, 100% các chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố và của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương, trong đó 45% số chuỗi cung ứng sản phẩm cho thành phố Hà Nội có ít nhất 01 công đoạn được chứng nhận sản xuất theo một trong các tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO 22000, hữu cơ. Các tỉnh, thành phố trong Chương trình phối hợp cũng đẩy mạnh công tác chỉ đạo sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản vùng miền, tăng cường cấp mã số vùng trồng, nâng cac chất lượng, nâng câp chuỗi thành các chuỗi giá trị ngành hàng phục vụ tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thị xã tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố.
Ngoài ra, Thành phố Hà Nội đã đánh giá, xếp hạng đối với 2.758 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1.473 sản phẩm đạt 4 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 1.255 sản phẩm đạt 3 sao, trong đó có 1.071 các sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP.
Thành phố Hà Nội cũng đang tích cực triển khai việc cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông sản nhằm đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu và nâng cao chất lượng quản lý nông sản. Theo đó, Thành phố đã được cấp 14 mã số vùng trồng cây ăn quả (bưởi, nhãn, chuối), rau và 4 cơ sở đóng gói với công suất từ 30-50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu. Các vùng trồng đã được cấp mã duy trì các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU, Anh, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như trên 7.000 ha lúa Japonica; 3.200 ha chuối tiêu hồng; trên 5.000 ha rau an toàn; 50 ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu.
Thiện Tâm