Xuất khẩu Thủ đô đạt những kết quả khả quan

28/02/2019 12:34 PM

(Chinhphu.vn) - Hai tháng đầu năm 2019, mặc dù vào giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đã đạt 2,24 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy xuất khẩu của Thủ đô đang dần dần bứt phá và đạt những kết quả khả quan.

Nhóm hàng dệt may có kim ngạch xuất khẩu cao. Ảnh: Diệu Anh

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xuất khẩu 200 container hàng hóa, trị giá gần 5 triệu USD, bao gồm các mặt hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ gốm sứ... sang thị trường Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan, Mỹ, Hà Lan, Nhật, Úc... Không dừng ở đó từ ngày 17 - 22/2, Hapro đã tham gia Hội chợ quốc tế thực phẩm và đồ uống – Gulfood Dubai 2019 tại Tiểu Vương quốc các nước Ả Rập (UAE) và đã ký hợp đồng xuất khẩu trị giá 1 triệu USD.

Trong tháng 2, Tổng Công ty May 10 đã xuất khẩu nhiều lô hàng quần áo thời trang với tổng trị giá gần năm triệu USD sang nhiều nước châu Âu và châu Á. Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam đã xuất khẩu các lô hàng điện thoại, thiết bị thanh toán đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác trị giá hơn 7,4 triệu USD. Công ty TNHH Honda Trading Việt Nam xuất khẩu các loại phụ tùng, thiết bị hỗ trợ phục vụ cho ngành sản xuất xe hơi, xe máy trị giá 27 nghìn USD...

Theo Cục Thống kê Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2019 của Hà Nội tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018 qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 dự kiến đạt 2,24 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều nhóm hàng đã tăng cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra (7,5 - 8%) như nhóm máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, điện thoại và linh kiện... Đáng lưu ý, thành phần kinh tế trong nước đã trở thành động lực tăng trưởng chính của TP. Hà Nội với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 53,3% và mức tăng trưởng 14%.

Những con số về xuất khẩu trong hai tháng đầu năm đã cho thấy những tín hiệu vui về kinh tế Thủ đô, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của cả nước tháng 1/2019 đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2018. Không chỉ vậy, cơ cấu các nhóm hàng nhập khẩu cũng có chuyển biến tích cực với xu hướng giảm ở nhóm hàng tiêu dùng và tăng ở nhóm hàng phục vụ sản xuất, gồm máy móc thiết bị phụ tùng và vật tư nguyên liệu.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, có được kết quả này là nhờ thị trường tiền tệ đã được điều chỉnh tăng tương đối nhanh. Từ năm 2018, tỷ giá USD với tiền đồng của Việt Nam được điều chỉnh tăng gần 3% so với cuối năm 2017, có tác động kích thích hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Đồng thời, các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc vào các nhóm hàng xuất khẩu và thị trường xuất khẩu truyền thống như trước. Ðồng thời, các chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội triển khai trong thời gian qua đã phát huy tác dụng.

Ðể đạt các mục tiêu về xuất khẩu, đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp mở rộng thị trường, TP. Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn năm 2019. Trong đó, chú trọng các giải pháp về thông tin, tuyên truyền, tư vấn, trang bị cho các doanh nghiệp về các yêu cầu, cơ hội và thách thức của các hiệp định thương mại hiện hành. Hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay, giải quyết thủ tục hành chính, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Ðồng thời, giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn, thiết kế mẫu mã sản phẩm, công nghệ, phổ biến kiến thức, đào tạo, tập huấn về thị trường, quảng bá, phát triển thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ…

Bên cạnh đó Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp tập trung, cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống dịch vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu;

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn cần tiếp tục chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và không ngừng tự đào tạo hoặc tham gia các khóa đào tạo do các sở, ngành thành phố tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Diệu Anh

Top