Xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ trái cây chủ lực
(Chinhphu.vn) - Ngày 18/11, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Sở NN&PTNT Hà Nội) tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trái cây chủ lực huyện Phúc Thọ. Hơn 20 đơn vị phân phối đã trực tiếp thăm vườn, ký kết ghi nhớ thu mua chuối, bưởi cho nông dân.
Ông Lê Văn Thu, Phó Chủ tịch huyện Phúc Thọ cho biết, huyện nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, mùa đông lạnh và hanh khô, nhiệt độ trung bình hằng năm là 23°C, độ ẩm tương đối là 88%. Lớp thổ nhưỡng trên địa bàn huyện được bồi đắp phù sa hằng năm. Tổng số giờ nắng trung bình trong năm khoảng 1.000 - 1.200 giờ. Lượng bức xạ phong phú, nền nhiệt cao… Tất cả đã tạo nên điều kiện thuận lợi giúp cho cây trồng phát triển, đặc biệt là cây ăn quả.
Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, người dân đã chuyển diện tích đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác sang trồng một số giống cây ăn quả đặc sản có hiệu quả kinh tế cao như chuối, bưởi,…đặc biệt trồng bưởi cho giá trị kinh tế trên 500 triệu/ha/năm; trồng tập trung tại các xã Vân Hà, Vân Phúc, Hiệp Thuận, Vân Nam, Hát Môn; vùng trồng chuối tập trung tại Vân Nam, Xuân Đình,... Tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện hiện nay đạt gần 1.300ha.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội, hiện Thành phố đã bước đầu hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, trong đó có vùng bưởi và chuối của huyện Phúc Thọ. Thông qua hội nghị, Chi cục mong muốn kết nối các đơn vị phân phối, chuỗi siêu thị, hệ thống cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội với người nông dân. Qua đó tăng cường hỗ trợ tiêu thụ hai sản phẩm trái cây chủ lực của huyện Phúc Thọ.
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, diện tích cây ăn quả có xu thế tăng trong giai đoạn 2021-2024; đến năm 2024 diện tích ước đạt 20 nghìn ha, tăng 412 ha so với năm 2021, cơ cấu cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cây đặc sản như bưởi diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, ổi lê, cam,chuối... chiếm trên 50% diện tích cây ăn quả của Thành phố. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung (bưởi, cam, nhãn, ổi, chuối...). Một số diện tích sản xuất cây ăn quả áp dụng kỹ thuật bao quả, canh tác theo VietGAP, canh tác hữu cơ,... cho sản phẩm đạt chất lượng cao.
Phúc Thọ là huyện có truyền thống và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực cây ăn quả. Các sản phẩm như: Bưởi, chuối không chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn mang lại giá trị kinh tế lớn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân địa phương. Người trồng trái cây huyện Phúc Thọ mong muốn sản phẩm Bưởi Phúc Thọ, Bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam sẽ được đưa vào các kênh phân phối hiện đại để phát triển thị trường tiêu thụ tại Hà Nội, các tỉnh và mục tiêu xa hơn muốn thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm bưởi, chuối nhằm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trái cây chủ lực của huyện.
Với mong muốn đó, hội nghị hôm nay không chỉ là nơi gặp gỡ, kết nối giữa các nhà sản xuất, doanh nghiệp và đối tác phân phối mà còn là cơ hội để lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và xây dựng những mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững.
Sau khi thăm quan thực tế, hai doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực với 4 hợp tác xã của huyện Phúc Thọ. Đây là tiền đề để huyện Phúc Thọ tiếp tục phát triển mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trái cây chủ lực theo hướng bền vững, giá trị cao.
Thiện Tâm