Những ý kiến xung quanh việc lắp rào chắn vỉa hè cho người đi bộ

24/02/2022 10:56 PM

(Chinhphu.vn) - Việc lắp rào chắn (barie) bảo vệ vỉa hè, giữ lối cho người đi bộ ở Hà Nội đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và các nhà chuyên môn. Theo đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, việc này đơn vị thực hiện từ nhiều năm nay, gần đây đơn vị tiếp tục thí điểm.

Hiệu quả tích cực

Từ tháng 1/2022, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội - Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành lắp đặt rào chắn tại một số đoạn đường thường xuyên xuất hiện tình trạng các phương tiện giao thông dừng đỗ, đi lại lên vỉa hè.

Cụ thể như đường Hồ Tùng Mậu (đoạn vỉa hè trước cổng trường Đại học Thương mại); đường Phạm Hùng (đoạn giao đường Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết); đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông, đoạn từ ngõ 1 đến hết tòa nhà FLC); đường Nghiêm Xuân Yêm (từ chung cư CT1 - Khu đô thị Bắc Linh Đàm đến giao đường Kim Giang) và ngã ba cầu Mộ Lao - Tố Hữu.

Trước đó, tại một số đoạn trên một số tuyến phố như vỉa hè bên cạnh bến xe Nước Ngầm, dọc sông Tô Lịch ở đường Láng, phố Thái Hà… cũng đã được lực lượng chức năng dựng barie rào chắn để ngăn xe máy, ô tô đi trên vỉa hè, ngăn chặn tình trạng đỗ xe ô tô bừa bãi đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Ý kiến của một số nhà quản lý và chuyên gia về rào chắn vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh 1.

Vỉa hè nút giao đường Lê Trọng Tấn - Quang Trung (quận Hà Đông) mới được nâng cấp, vỉa hè thoáng. Ảnh: VGP/Minh Anh

Có mặt tại một số đoạn vỉa hè được lắp barie những ngày gần đây, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng vỉa hè bị người đi xe máy chiếm dụng để lưu thông đã không còn. Vỉa hè tại một số tuyến đường luôn thông thoáng, giúp người đi bộ lưu thông an toàn.

Tại vỉa hè ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết (đối diện Bến xe Mỹ Đình), do được lắp đặt hệ thống rào sắt chắc chắn nên giờ cao điểm, dù mật độ phương tiện từ phía đường Phạm Hùng dồn tại ngã tư Tôn Thất Thuyết - Nguyễn Hoàng khá đông, song người đi xe máy không thể leo lên vỉa hè để chiếm đường của người đi bộ.

Tương tự, vỉa hè từ ngã ba Mỗ Lao - Tố Hữu đến Trung Văn cũng được lắp đặt rào chắn kiên cố kéo dài khoảng 100m. Tại đây luôn thông thoáng, người đi bộ đi lại dễ dàng, thuận tiện. Trước đây vì tắc đường, đa số người dân đã dắt xe máy trên vỉa hè để di chuyển nhanh hơn cũng như tránh CSGT xử phạt.

Lưu thông dọc tuyến đường Nghiêm Xuân Yêm, từ chung cư CT1 - Bắc Linh Đàm đến giao đường Kim Giang cũng dễ dàng nhận thấy người đi bộ khá thoải mái, an toàn khi lưu thông trên vỉa hè nhờ hệ thống rào chắn bảo vệ.

Đại diện Ban Duy tu công trình giao thông Hà Nội cho biết, tại các đoạn phố mà đơn vị tiến hành rào chắn barie đều lấy ý kiến của Thanh tra GTVT, CSGT phụ trách khu vực. Các lực lượng đều ủng hộ việc lắp barie vỉa hè vì ngăn chặn được tình trạng phương tiện leo lên vỉa hè để đi ngược chiều, chiếm dụng vỉa hè của người đi bộ.

Cũng theo đại diện Ban này, tại các điểm lắp barie rào chắn vỉa hè đều nhận được ý kiến đồng tình của người dân sinh sống xung quanh. Phần đa ý kiến đồng tình ủng hộ trong bối cảnh vỉa hè cho người đi bộ đang bị lấn chiếm để kinh doanh, làm nơi đỗ ô tô hoặc buôn bán hàng rong, các phương tiện đi ngược chiều.

Kịp thời điều chỉnh những bất cập

Bên cạnh phần đa ý kiến ghi nhận hiệu quả của việc này thì cũng có không ít ý kiến còn băn khoăn, bày tỏ lo ngại việc rào chắn barie gây mất mỹ quan đô thị như lối đi lên vỉa hè ở hai đầu hơi nhỏ, việc đi lại không được thuận tiện. Một số người lợi dụng ngay khu vực đường đi bộ được rào chắn này để phục vụ mục đích riêng như bán hàng quán, tập kết rác, vật liệu xây dựng, thậm chí, quây cả lều bạt để làm nơi sống tạm.

Điển hình như vỉa hè đường đi bộ trên phố Thái Hà, hướng đi Huỳnh Thúc Kháng, sau khi quây rào lại bị biến thành khu vực bán trà đá, tập kết rác. Hay vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn ngõ 19, toàn bộ đường đi bộ bị biến thành bãi trông giữ xe có thu tiền.

Ý kiến của một số nhà quản lý và chuyên gia về rào chắn vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh 3.

Góc vỉa hè trên đường Hồ Tùng Mậu, trước cổng trường Đại học Thương Mại đang bị chiếm dụng kinh doanh, ảnh hưởng đến không gian của người đi bộ. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tại một vị trí khác, trên đường Hồ Tùng Mậu, đoạn vỉa hè trước cổng trường Đại học Thương Mại, các hàng rào được dựng lên đã ngăn được tình trạng xe máy đi ngược chiều lên vỉa hè để thoát tắc. Tuy nhiên, một số người dân tại đây vẫn biến khu hàng rào thành nơi buôn bán hàng ăn uống gây lộn xộn, mất mỹ quan đô thị.

Lý giải về việc này, đại diện Ban Duy tu cho rằng, Sở GTVT chỉ là là đơn vị quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải, mục đích góp phần cho các phương tiện đi lại thông suốt, bao gồm cả đường cho người đi bộ. Còn về chức năng quản lý trật trự đô thị, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán hàng rong thuộc trách nhiệm của chính quyền sở tại.

Bàn về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, mục tiêu của hệ thống rào chắn là nhằm hạn chế tình trạng các phương tiện đi lên vỉa hè gây mất an toàn giao thông. Về cơ bản, mục tiêu này là tốt nhưng mức độ hiệu quả còn cần phải nghiên cứu thêm.

Minh Anh

Top