Y tế Thủ đô- Nỗ lực, sáng tạo hưởng ứng chương trình '1 triệu sáng kiến'

29/07/2022 8:32 AM

(Chinhphu.vn) - Với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành Y tế Thủ đô đã và đang nỗ lực tiên phong đi tắt, đón đầu trong nhiều chuyên khoa mũi nhọn, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến.

Y tế Thủ đô- Nỗ lực, sáng tạo hưởng ứng chương trình '1 triệu sáng kiến'  - Ảnh 1.

Công đoàn ngành y tế Hà Nội không chỉ quan tâm đến người lao động mà còn thường xuyên động viện những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Qua đó đã đóng góp không nhỏ vào Chương trình "1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động; đồng thời cũng là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2022).

Theo Sở Y tế, hiện nay Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đang quản lý trên 26.000 đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, với 108 công đoàn cơ sở trực thuộc. Trải qua quá trình phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành đã nỗ lực cống hiến, ra sức thi đua trong lao động, học tập và công tác; tận tụy, sáng tạo không ngừng đổi mới toàn diện, nâng cao y đức, trình độ chuyên môn. 

Trong giai đoạn 2018-2023, ngành Y tế Hà Nội đã chủ động phòng chống dịch bệnh mới nổi như: Dịch Ebola, MERS CoV, Zika, COVID-19, các dịch bệnh thường gặp (dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng, tiêu chảy cấp, các dịch đã được khống chế như dịch sởi, bạch hầu…). Bên cạnh đó, hệ thống y tế cơ sở không ngừng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ.

Đặc biệt, thời gian qua đại dịch COVID -19 đã tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã xội, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của ngành. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, các bệnh viện, cơ sở y tế đã huy động tất cả mọi nguồn lực, nhất là nhân lực đáp ứng truy vết người bệnh, điều tra dịch tễ, xét nghiệm, xử lý môi trường, thu dung, cách ly, khám điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm, tiêm vaccine... Phối hợp các cơ quan chức năng giám sát tại sân bay, các khu cách ly, đối tượng nhập cảnh. Vì vậy, các cán bộ Y tế đã phải tăng cường tối đa về thời gian, cường độ làm việc, không có ngày nghỉ. 

Để động viên, khích lệ các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc tại các đơn vị trong tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã luôn đồng hành, bám sát cơ sở, có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho đoàn viên, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh như: "Chuyến xe siêu thị 0 đồng", "Túi an sinh Công đoàn", hỗ trợ cho các đơn vị, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch.

Đặc biệt Liên đoàn lao động thành phố có sáng kiến chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động thành lập "Tổ an toàn COVID" trong các doanh nghiệp. Đây có thể coi là "đặc sản" của tổ chức công đoàn Thủ đô nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động hết sức kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát phức tạp, nguy hiểm, khó lường. Công đoàn ngành đã trích Quỹ Xã hội từ thiện tổ chức thăm hỏi, động viên các y bác sỹ tại các đơn vị tuyến đầu chống dịch. 

Năm 2021, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã quyết định khen thưởng đột xuất cho 44 tập thể và 103 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19. Trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 (đợt 4), Công đoàn Y tế Việt Nam đã khen thưởng cho 12 cá nhân và Công đoàn ngành Y tế thành phố tiếp tục khen thưởng đột xuất cho 187 cá nhân có thành tích trong tuyến đầu phòng chống dịch.

Trong công tác khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến rõ nét. Ngành Y tế đã và đang nỗ lực tiên phong đi tắt, đón đầu trong nhiều chuyên khoa mũi nhon, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào chăm sóc và phục vụ sức khỏe nhân dân. 

Các đơn vị luôn quan tâm đầu tư, ứng dụng các trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như: Phẫu thuật nội soi, tán sỏi, phẫu thuật lấy thể thủy tinh ngoài bao, kỹ thuật vi phẫu tạo hình, ứng dụng công nghệ la-zer, áp dụng máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư, thụ tinh trong ống nghiệm; Ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tim mạch can thiệp như mổ Tim hở, thay van Tim, chụp buồng Tim, nong động Mạch vành, ghép tạng trên cơ thể người... Đây cũng chính là kết quả nổi bật trong phong trào "Nghiên cứu khoa học, Sáng kiến – sáng tạo", mà cao điểm là hướng ứng Chương trình "1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động. Chương trình đã được đông đảo cán bộ, viên chức, người lao động tích cực tham gia với nhiều đề tài, sáng kiến xuất phát từ thực tiễn hoạt động chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng trong công tác khám, chữa bệnh.

Điển hình Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, luôn nhận thức được công tác bồi dưỡng chuyên môn tay nghề, đổi mới công nghệ đi đôi với sáng kiến, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, giảm chi phí, thời gian điều trị trong khám chữa bệnh là vấn đề quyết định để nâng cao uy tín, thương hiệu của bệnh viện hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, trong nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc và công đoàn, Bệnh viện đã mạnh dạn đầu tư các máy móc trang thiết bị kỹ thuật để tạo những bức đột phá mới; áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và đặc biệt phát động mạnh mẽ phong trào nghiên cứu khoa học "Sáng kiến, sáng tạo", điều trị thành công nhiều ca bệnh khó. Nhờ vậy đã tiết kiệm chi phí trong công tác điều trị từ đó giảm chi phí và thời gian điều trị cho bệnh nhân, hợp lý hóa các khâu trong quản lý cũng như hoạt động chuyên môn, loại bỏ những bấp cập gây lãng phí trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của bệnh viện.

Công đoàn ngành đã đẩy mạnh các phong trào thi đua và được đông đảo đoàn viên công đoàn hưởng ứng tham gia như phong trào "Người tốt – việc tốt", "Nghiên cứu khoa học, sáng kiến, sáng tạo", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Đổi mới phong cách thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh gắn với xây dựng cơ sở Y tế Xanh – sạch – đẹp"; xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu"... Qua đó đã phát hiện ra nhiều thầy thuốc ngành Y tế Thủ đô không những giỏi về chuyên môn, tay nghề mà còn có tấm lòng nhân hậu, Y đức, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giao tiếp ứng xử.

Y tế Thủ đô- Nỗ lực, sáng tạo hưởng ứng chương trình '1 triệu sáng kiến'  - Ảnh 3.

Thời gian qua, các y bác sĩ Thủ đô đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Với nhiệm vụ trọng tâm là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, hằng năm, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội chủ động phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các Công đoàn cơ sở thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở bằng việc phối hợp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động. Thông qua hoạt động này, các chế độ chính sách của người lao động đều được rà soát, kiểm tra và thực hiện đầy đủ, đúng quy định, nhiều đơn vị còn quan tâm tới hỗ trợ thu nhập tăng thêm, chế độ ngày lễ, tết…cho người lao động. 

Đặc biệt, các đơn vị còn luôn quan tâm đến sức khỏe người lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, thực hiện phân loại sức khỏe cho người lao động, quản lý sức khỏe cho người lao động; các công đoàn cơ sở luôn duy trì thực hiện tốt chế độ bảo hộ lao động, cung cấp các phương tiện bảo hộ lao động an toàn cho người lao động theo quy định... Bên cạnh đó, các đơn vị còn tổ chức các hoạt động nghỉ dưỡng cho người lao động đảm bảo an toàn.

Thiện Tâm

Top