Y tế Thủ đô phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong khám, chữa bệnh
(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tế Thủ đô đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn, góp phần cải thiện, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt hiệu quả cao.
Cụ thể, theo Sở Y tế Hà Nội thời gian qua, ngành đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện như chuyên ngành gây mê hồi sức với kỹ thuật ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy tại tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh với can thiệp mạch điều trị khối u, cắt hớt niêm mạch đường tiêu hóa điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; chuyên ngành ngoại khoa làm chủ kỹ thuật ghép thận, ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật vi phẫu, chỉnh hình xương tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Hay can thiệp bào thai với nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu trong song thai và dải xơ buồng ối, truyền dịch buồng ối tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; nhi khoa với theo dõi cung lượng tim PiCCO, hạ thân nhiệt chỉ huy, phẫu thuật nội soi một lỗ…
Ngoài ra, các bệnh viện tuyến thành phố tích cực hợp tác quốc tế và trong nước để tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ y học mới trong chẩn đoán và điều trị. Các bệnh viện tuyến huyện cũng chủ động phối hợp với các bệnh viện tuyến thành phố để nâng cao kỹ thuật tại đơn vị. Phẫu thuật nội soi được thực hiện thường quy tại các bệnh viện tuyến huyện.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng số lượt khám chữa bệnh toàn ngành là 4.202.945 lượt, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số lượt điều trị nội trú là 498.891 lượt (giảm 4,6%), điều trị ngoại trú 1.128.920 lượt (tăng 20,87%). 100% cơ sở khám chữa bệnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, triển khai bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử giúp người dân và nhân viên y tế tiết kiệm thời gian, giảm giấy tờ thủ tục, đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám, chữa bệnh.
Đối với công tác thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, ngành y tế Hà Nội duy trì hệ thống cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, giảm thiểu tỷ lệ người bệnh tử vong; triển khai hiệu quả việc quản lý, giám sát người bệnh COVID-19 điều trị tại nhà. Công tác điều trị người bệnh COVID-19 tại 35/41 bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố, với tổng số 7.330 giường bệnh theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, trong đó có 1.240 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế đã điều trị cho 2.441 trường hợp tại bệnh viện (tử vong 1 trường hợp là người cao tuổi, có bệnh nền).
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn và thực hiện kiểm tra, giám sát 15 bệnh viện trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, giám sát đã chỉ ra cho các đơn vị những tồn tại, hạn chế, giúp các đơn vị kịp thời khắc phục để nâng cao chất lượng bệnh viện, phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh.
Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. TS. Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tham dự và chủ trì hội nghị.
Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì là bệnh viện hạng 2 trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Năm 2023, bệnh viện được giao chỉ tiêu giường bệnh là 310, tuy vậy để đáp ứng nhu cầu của người dân, số giường thực kê trong bệnh viện là 343. Hiện, bệnh viện có 21 khoa, phòng, đơn vị trực thuộc, bao gồm: 11 khoa lâm sàng, 05 phòng chức năng, 04 khoa cận lâm sàng, 01 đơn nguyên điều trị thận nhân tạo; với tổng số 375 cán bộ, viên chức, người lao động.
Theo ông Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện; chẩn đoán bệnh theo ICD, chỉ định cận lâm sàng, kê đơn thuốc trên phần mềm, liên thông với nhà thuốc bệnh viện, đảm bảo việc kết xuất dữ liệu đầu ra chính xác. Đồng thời tích cực triển khai một số kỹ thuật liên quan đến quản lý bệnh mãn tính như: Tiểu đường, cao huyết áp, bướu cổ, bệnh viêm gan virus B, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, bệnh viện cũng đã thực hiện khám cho hơn 120.000 lượt bệnh nhân; tổng số điều trị ngoại trú là hơn 18.000 lượt bệnh nhân; số bệnh nhân điều trị nội trú là gần 10.000 lượt.
Bệnh viện cũng tích cực triển khai kỹ thuật mới, nhiều kỹ thuật khó, trước kia bệnh viện phải chuyển tuyến điều trị như: Phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật khớp gối, phẫu thuật lấy sỏi, tán sỏi niệu quản nội soi và thực hiện phẫu thuật cấp cứu nhiều ca bệnh nặng, phức tạp khác đem lại sự sống cho người bệnh; làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Đồng thời tăng cường các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ người bệnh; đảm bảo các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, duy trì tốt việc bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị phục vụ chuyên môn.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với những kết quả nổi bật đã đạt được, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cần phấn đấu trở thành bệnh viện hạng I trong thời gian sớm nhất; hoàn thiện, bổ sung các quy trình chuyên môn, cập nhật phác đồ điều trị người bệnh. Bên cạnh đó cần rà soát và phát triển các kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo làm tốt kỹ thuật theo phân tuyến và từng bước phát triển kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân; kiểm tra đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị trong khám và điều trị.
Đồng thời chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; tích cực phối hợp với các đơn vị bệnh viện tuyến trên trong triển khai công tác khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật, giúp người bệnh tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Nghiên cứu các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, phục vụ nhu cầu của người dân.
Thiện Tâm