Y tế Thủ đô vượt khó, bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân

12/07/2022 1:46 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng thời gian qua ngành Y tế Thủ đô đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Y tế Thủ đô vượt qua khó khăn, bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh 1.

Thời gian qua các y, bác sĩ... Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, nỗ lực hết mình để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tế đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ và Thành phố để quyết tâm triển khai các giải pháp theo nguyên tắc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".

Tính đến 16/6, tổng số ca mắc trên địa bàn thành phố Hà Nội là 1.604.739 ca mắc. Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến 16/06/2022), toàn thành phố đã ghi nhận 1.603.499 ca mắc. Về tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID- 19, toàn thành phố đã triển khai tiêm 18.639.382 mũi. Trong đó, mũi 1 là 7.120.763 mũi (99,4%); mũi 2 là 6.701.258 mũi (96,6%); mũi nhắc lại lần 1 là 4.482.693 mũi (96,1%); mũi nhắc lại lần 2 là 105.542 mũi.

Đối với công tác khám chữa bệnh, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 các bệnh viện vẫn đảm bảo các hoạt động khám, chữa bệnh thường xuyên và khám, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19. Đồng thời nâng cao năng lực khám chữa bệnh, bố trí giường bệnh hồi sức tích cực để điều trị người bệnh thường xuyên và người bệnh COVID-19. Tổng số giường bệnh hồi sức cấp cứu đã bố trí là 1.367 giường bệnh (tăng 1,11% so với năm 2021). Các bệnh viện cũng tổ chức khoa khám bệnh để đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phù hợp với điều kiện tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Nội, trong hơn hai năm qua là khoảng thời gian đầy thách thức với ngành y tế nói chung và đội ngũ điều dưỡng Hà Nội nói riêng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng các Chi hội Điều dưỡng đều tham gia tích cực phòng, chống dịch tại các tỉnh thành phía Nam và Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng như tham gia các hoạt động sàng lọc, phân luồng, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, truy vết, điều tra dịch tễm tham gia cá trung tâm y tế lưu động chăm sóc bệnh nhân F0.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai toàn thành hội, 100% các chi hội đã ký cam kết thực hiện nội dung 8 chuẩn và 30 tiêu chí đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng. Các chi hội cũng thực hiện nghiêm túc việc triển khai quy tắc ứng xử của cán bộ viên chức, người lao động trong các cơ sở khám chữa bệnh. 

Bên cạnh đó, các chi hội đã không ngừng nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tổ chức các buổi tập huấn, ký cam kết thực hiện, thông qua các Hội thi điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên giỏi thanh lịch, có nhiều biện pháp cải tiến nhằm giảm phiền hà cho người bệnh, nâng cao ý thức trách nhiệm của điều dưỡng trong công việc. Đồng thời động viên người bệnh khi làm thủ thuật, đáp ứng kịp thời các nhu cầu cơ bản của bệnh nhân, thay đổi quan điểm phục vụ, luôn lấy người bệnh làm trung tâm của sự chăm sóc, không còn sự ban ơn đối với người bệnh

Ngoài ra, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao nhận thức của người dân cũng như chủ cơ sở thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm, toàn thành phố đã tổ chức 135 lớp tập huấn trực tiếp cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, toàn thành phố thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm.

Về công tác y tế cơ sở, Sở Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chủ động rà soát cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo công năng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Lập danh mục các trạm y tế cần sửa chữa, nâng cấp, xây mới… để chuẩn bị công tác đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn 2022-2025, số lượng danh mục dự án đề xuất đầu tư cho y tế cơ sở trên địa bàn Thành phố là 349 dự án; số dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách Thành phố là 198 dự án.

Có thể thấy, trong thời gian qua các hoạt động y tế cũng gặp một số khó khăn như dịch COVID-19 gây tâm lý e ngại đến người dân khi đi khám bệnh, có thể có nhiều người mắc bệnh truyền nhiễm mức độ nhẹ tự điều trị tại nhà… Dẫn đến công tác giám sát phát hiện bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, một số trường hợp phát hiện muộn dẫn đến việc xử lý chưa kịp thời các ca bệnh, ổ dịch. 

Ngoài ra, số liệu dịch bệnh không được cập nhật đầy đủ cũng ảnh hưởng đến công tác nhận định, dự báo tình hình dịch. Bởi vậy, số lượng người bệnh quay trở lại khám bệnh, chữa bệnh tăng cao sau thời gian dài giãn cách vì dịch COVID-19 đặt ra thách thức cho công tác đáp ứng khám chữa bệnh, an toàn người bệnh và an toàn bệnh viện trong phòng, chống dịch COVID-19.

Vì vậy, từ nay đến cuối năm, ngành Y tế sẽ tiếp tục chủ động triển khai các hoạt động, chương trình Y tế. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch, ngành sẽ phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho đối tượng trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Xây dựng, phát triển hệ thống giám sát dịch bệnh, tập trung vào giám sát trọng điểm tại các bệnh viện trọng điểm.

Ngoài ra, triển khai các mô hình điểm, chuyên đề an toàn thực phẩm năm 2022. Tập trung tuyên tuyền tháng hành động an toàn thực phẩm, chủ động triển khai đoàn liên ngành của Thành phố kiểm tra Tháng hành động của các quận/huyện/thị xã. Tập trung các giải pháp để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh con thứ 3 trở lên đạt 0,1%, sàng lọc trước sinh 82%, sàng lọc sơ sinh 86%. Đẩy mạnh truyền thông tư vấn nâng cao chất lượng dân số; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh…

Thiện Tâm

Top