Yêu cầu cấp thiết của việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt

27/06/2023 3:11 PM

(Chinhphu.vn) - Sau gần 10 năm không tăng giá nước sạch, TP. Hà Nội dự kiến điều chỉnh mức giá nước sạch sinh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nước sạch để phục vụ cho người dân trên địa bàn TP. Hà Nội.

Yêu cầu cấp thiết của việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt - Ảnh 1.

Việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế, khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm và chủ trương của nhà nước trong việc quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh nước sạch.Ảnh: Thùy Chi

Dự kiến tăng giá nước sạch sinh hoạt từ 01/7

Từ đầu tháng 7, giá nước sạch ở Hà Nội sẽ điều chỉnh tăng lần một từ 5.973 đồng m3 lên mức 7.500 đồng/m3 (đối với hộ sử dụng dưới 10m3/tháng). Từ đầu năm 2024, giá nước sạch tăng lên mức 8.500 đồng/m3.

Với mức tăng trên, quy chiếu nhu cầu tiêu dùng nước sạch thực tế tại các hộ dân ở nội thành Hà Nội (khoảng 10-16m³/hộ/tháng), số tiền người dân sẽ phải trả thêm tăng từ 15.000 - 26.000 đồng/tháng. Ở khu vực nông thôn (6-8m³/hộ/tháng), số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ.

Việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội là xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Các hộ dân ở vùng nông thôn cũng được cung cấp nước sạch và bảo đảm mặt bằng giá giữa khu vực thành thị và nông thôn. Việc điều chỉnh giá nước sạch sẽ giúp cho chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt được nâng cao, sức khoẻ người dân ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cải thiện.

Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72% (Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng Cục Thống kê công bố: Số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, một gia đình là 22,4 triệu đồng/hộ).

Do vậy, với phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm

Trước năm 2016, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của TP. Hà Nội khoảng 900.000 m3/ngày đêm; trong đó nguồn nước ngầm công suất khoảng 700.000 m3/ngày đêm, nguồn nước mặt khoảng 200.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nguồn nước ngầm tại Hà Nội có công suất khai thác lên tới 780.000 m3/ngày đêm.

Như vậy, khi nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao, trường hợp khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước; xâm nhập nước mặt ô nhiễm,…gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch là ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm. Dự kiến khai thác nguồn nước ngầm giai đoạn đến năm 2025 là khoảng 615.000 m3/ngđ; đến năm 2030 khoảng 504.00 m3/ngđ và đến năm 2050 khoảng 413.000 m3/ngđ.

Tại thời điểm năm 2022, với 3 nhà máy sản xuất từ nguồn nước mặt thì công suất đạt 750.000 m3/ngày đêm, chiếm 49% sản lượng nước sạch cung cấp cho Thành phố. Việc bổ sung nguồn nước mặt vào hệ thống cấp nước của các đơn vị lưu thông để cấp nước cho Thành phố được thực hiện theo lộ trình giảm dần lượng khai thác nước ngầm theo quy hoạch.

Như vậy, so với thời điểm trước đây, cơ cấu nguồn nước mặt tăng lên, giảm khai thác nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, khi thay nguồn nước mặt để bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị và dần dần thay thế các nguồn giếng ngầm không bảo đảm chất lượng sẽ dẫn đến một vấn đề, đó là: Giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng. Lý do là chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm.

Những vấn đề đặt ra khi giá nước sạch sinh hoạt không được điều chỉnh

Ngày 14/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT) có hiệu lực thi hành từ 15/6/2019 thay thế quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT, QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Trong đó, yêu cầu chất lượng nước sạch cao hơn để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, để xử lý nước đạt QCVN 01-1:2018/BYT thì các đơn vị lưu thông cần đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống cấp nước cũ, tăng cường công tác kiểm định, thay thế nguồn nước cấp để bảo đảm nước sạch cấp đến người dân bảo đảm QCVN 01-1:2018/BYT. Vì vậy, giá nước cần được điều chỉnh để các đơn vị cấp nước có đủ nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo và kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Ngoài những yếu tố trên thì có thể thấy, theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 về việc ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 về việc phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch không dùng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay đã thực hiện được 10 năm, tổng thể các chi phí cấu thành giá đều tăng.

Chẳng hạn như tiền lương tối thiểu vùng tăng 99,14%, mức lương cơ sở tăng 29,56%; chi phí điện năng tăng 29,7%; các loại thuế, phí điều chỉnh tăng như thuế tài nguyên khai thác nước ngầm tăng từ 3% đến 5%, chi phí thuế tài nguyên tăng 122,2% hay chi phí dịch vụ môi trường rừng tăng tăng 30% và bổ sung thuế khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ (từ năm 2017)…

Với thực tế các chi phí cấu thành giá đều tăng, giá các yếu tố đầu vào đều đã tăng nên tính đến đến thời điểm hiện nay, giá nước theo quy định tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND và số 39/2013/QĐ-UBND đã không còn phù hợp chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước. Do đó, việc không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch có thể dẫn tới 4 tác động tiêu cực như: Không bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch; Không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch; Không thu hút được các nhà đầu tư; Không khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm.

Thứ nhất, việc không điều chỉnh giá nước sạch sẽ không đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch. Bởi giá nước không được điều chỉnh làm cho ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới; các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước. Cụ thể, đối với các nhà máy nước ngầm (được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao) hiện đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch.

Đối với các nhà máy nước mặt đang vận hành, do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh thì nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành; cũng như khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất. Còn đối với các nhà máy nước trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư: các nhà tư gặp khó khăn khi huy động vốn để đầu tư.

Thứ hai, việc không tăng giá nước sạch sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch, không bảo đảm cho sức khỏe người dân, bởi để có thể xử lý nước đạt QCVN01-1:2018/BYT thì cần phải đầu tư công nghệ xử lý nước mới và cải tạo hệ thống cấp nước cũ. Do vậy, với giá nước chưa được điều chỉnh thì các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch.

Thứ ba, nếu không điều chỉnh giá nước sạch sẽ không thu hút được các nhà đầu tư. Việc giá nước chậm điều chỉnh là hạn chế đối với việc xã hội hóa thu hút các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cấp nước. Thành phố Hà Nội đã kêu gọi thu hút được 23 nhà đầu tư tư nhân, triển khai 39 dự án cấp nước gồm cả dự án nguồn nước và mạng lưới. Trong đó, có doanh nghiệp không thực hiện dự án, phần lớn các dự án còn lại đều chậm tiến độ hoàn thành.

Các doanh nghiệp mới triển khai dự án trong giai đoạn này đang chịu nhiều áp lực chi phí vốn, với giá nước hiện hành chỉ đáp ứng được chi phí thiết yếu tối thiểu để vận hành nhà máy, chưa thu hồi được vốn đầu tư, chưa có lợi nhuận. Nếu giá nước không điều chỉnh kịp thời thì các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, do không có nguồn lực tài chính để vận hành nhà máy, dẫn đến không đảm bảo an ninh cấp nước cho Thành phố.

Thứ tư, việc không điều chỉnh giá sẽ không khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm. Nước là nguồn tài nguyên tái tạo, tuy nhiên nguồn cung cấp nước sạch đang ngày càng giảm đi trong khi nhu cầu sử dụng của con người ngày càng tăng cùng với tốc độ tăng của dân số. Việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề quan trọng và bức xúc không chỉ với Việt Nam, mà có tính chất toàn cầu.

Do vậy, việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế, khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm và chủ trương của nhà nước trong việc quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh nước sạch.

Thùy Chi

Top