"An sinh xã hội" - ưu tiên hàng đầu của Hà Nội trong quá trình phát triển

31/01/2025 12:21 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội xác định phát triển an sinh xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các chính sách như trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong năm vừa qua qua tiếp tục được thực hiện hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội phát triển kinh tế bền vững…

"An sinh xã hội" - ưu tiên hàng đầu của Hà Nội trong quá trình phát triển- Ảnh 1.

Hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động tại quận Long Biên.Ảnh: VGP/Minh Anh

Vượt chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2024

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, năm 2024 đã khép lại với nhiều thành tựu nổi bật trong công tác lao động, người có công và an sinh xã hội của Thủ đô. Với sự lãnh đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và sự hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trong đó, công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành Thành phố quan tâm thực hiện. Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 11.292 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng với tổng kinh phí 2.521 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn Thành phố có trên 203.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trong tổng số hơn 3,8 triệu người trong cả nước đang hưởng trợ cấp xã hội. Trong năm, các quận, huyện, thị xã đã chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch cho các đối tượng với tổng kinh phí là trên 1.757 tỷ đồng. Các cơ sở trợ giúp của Thành phố thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.102 người với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,76 triệu đồng/người/tháng và chi khác 350.000 đồng/tháng.

Việc triển khai và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người yếu thế, đồng thời góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Thành phố đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp. Theo tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, thị xã, năm 2024, Thành phố giải quyết việc làm cho 225.858 lao động, đạt 139,9% Kế hoạch năm, tăng 11.600 việc làm mới được tạo ra, tương đương tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, đã chủ động phối hợp với chặt chẽ với các sở, ban, ngành của Thành phố, các địa phương; đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường lao động để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao động để kết nối cung - cầu, hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Với việc thực hiện các giải pháp tạo việc làm hiệu quả, cuối năm 2024 tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2,54%, giảm 0,43 điểm % so với năm 2023, đạt chỉ tiêu <3% Thành phố đề ra trong năm 2024 và hoàn thành sớm chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025

Với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đào tạo nghề cho người lao động, theo kết quả điều tra của Cục Thống kê, tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cuối năm 2024 đạt 74,25%, vượt 0,05 điểm % Kế hoạch đề ra; trong đó có bằng cấp là 54,06%, vượt 0,06 điểm % Kế hoạch đề ra. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI thường niên luôn đứng trong top dẫn đầu toàn quốc, khẳng định được chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với cả nước.

"An sinh xã hội" - ưu tiên hàng đầu của Hà Nội trong quá trình phát triển- Ảnh 2.

Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.Ảnh: VGP/Minh Anh

Thành phố cũng quan tâm chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Trong năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp nhận hồ sơ, thẩm và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 76.840 trường hợp đề nghị hưởng BHTN với số tiền hỗ trợ 2.386 tỷ đồng, số lao động hưởng BHTN đã giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2023; 100% trường hợp đề nghị hưởng BHTN được tư vấn tìm việc làm mới, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.150 người để họ có cơ hội tiếp tục tham gia thị trường lao động với số tiền 4,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 01 năm giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu của Trung ương đến năm 2030 "xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu".

Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", hưởng ứng Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí hỗ trợ là 265 tỷ đồng.

"An sinh xã hội" - ưu tiên hàng đầu của Hà Nội trong quá trình phát triển- Ảnh 3.

Hà Nội khởi công xây dựng, sửa chữa nhiều nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ảnh: VGP/Minh Anh

Từng bước đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội

Với những kết quả nổi bật nêu trên, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã đánh giá: "Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát huy tinh thần lao động cần cù, tính sáng tạo, vượt qua khó khăn, tạo nên những thành tích nổi bật trong sự nghiệp an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước...".

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà, những kết quả công tác của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm cho chất lượng công tác an sinh xã hội, hệ thống phúc lợi xã hội của Thủ đô ngày càng được nâng cao, từng bước đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; đồng thời góp phần quan trọng ổn định xã hội, duy trì an ninh trật tự, là nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, những năm qua, cấp ủy, chính quyền TP. Hà Nội coi an sinh xã hội là sứ mệnh hàng đầu nhằm đem lại cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn cho người dân, là ưu tiên hàng đầu của Thành phố trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Từng chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn hay những đối tượng dễ bị tổn thương được TP. Hà Nội triển khai với tất cả tâm huyết. Từ trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở đến các chương trình đào tạo nghề, Hà Nội không ngừng tạo cơ hội để mỗi người dân có thể vươn lên, xây dựng cuộc sống bền vững. Hành trình này không chỉ giúp giảm nghèo hiệu quả mà còn thắp sáng hy vọng về một xã hội đoàn kết, văn minh, nghĩa tình.

Bước vào năm 2025, Hà Nội tiếp tục triển khai đồng loạt các chính sách an sinh. Thành phố phấn đấu chỉ tiêu giải quyết việc làm đạt 167.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tiếp tục dưới 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55%. Đặc biệt, năm 2025, Thành phố duy trì không còn hộ nghèo, phấn đấu giảm 30 - 50% số hộ cận nghèo so với đầu năm.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, đặc biệt là các mục tiêu về an sinh xã hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội. Triển khai chu đáo các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Cùng với đó, đẩy mạnh giải quyết việc làm, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, hội nhập quốc tế. Tăng cường phân luồng học sinh, đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động, góp phần giảm thất nghiệp, tạo việc làm bền vững. Nâng cao chất lượng trợ giúp xã hội, chăm sóc đối tượng yếu thế tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi với người có công và thân nhân, đảm bảo mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cư dân. Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội…

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP. Hà Nội, các tổ chức chính trị-xã hội nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện và hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội góp phần cùng Thành phố thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Năm 2025 là năm bản lề, đánh dấu những bước tiến quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Mặc dù đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kết luận của Trung ương song với chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương tin tưởng rằng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Minh Anh

Top