Nâng chất lượng cuộc sống người dân nhờ chính sách an sinh xã hội
(Chinhphu.vn) - Phát triển hệ thống an sinh xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn là mục tiêu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền Thủ đô hướng tới. Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác bảo đảm an sinh xã hội.
Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương. Các chính sách như trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề đã được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội phát triển kinh tế bền vững.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng chú trọng cải thiện hệ thống y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, văn minh. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo mà còn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm lo, tạo nên một xã hội phát triển toàn diện, bền vững.
Thành phố xác định, phát triển an sinh xã hội là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Năm 2024, công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 1.246 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và các đối tượng liên quan; tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 5.560 trường hợp với số tiền hỗ trợ 180 tỷ đồng.
Trong 10 tháng năm 2024, Thành phố Hà Nội đã giải quyết trên 9,4 nghìn hồ sơ với kinh phí trên 2.100 tỷ đồng. Toàn Thành phố hiện có trên 203.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; tổng kinh phí chi trả là gần 1.500 tỷ đồng.
Xác định công tác người có công là nội dung quan trọng trong các hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025", thành phố Hà Nội luôn có chính sách đặc thù để triển khai các hoạt động tri ân hiệu quả và mang ý nghĩa thiết thực.
Ngày 8/12/2022, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân. Theo đó, Hà Nội đã trích ngân sách của thành phố thực hiện 4 chính sách đặc thù để cải thiện sức khỏe cũng như nâng cao mức sống người có công và thân nhân.
Đó là, chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng thuộc đối tượng điều dưỡng 2 năm/lần; người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công được hỗ trợ khám sức khỏe 1 triệu đồng/người; đối với người có công với cách mạng và thân nhân đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công thành phố, Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin thành phố thì được hỗ trợ tiền ăn mức 3 triệu đồng/người; chi phí khác phục vụ nuôi dưỡng (điện, nước, vệ sinh, quần áo, thuốc chữa bệnh thông thường) 500.000 đồng/người/tháng;hỗ trợ tiền mai táng phí khi người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ trần.
Những chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội đã góp phần hỗ trợ người có công và thân nhân cải thiện cả về sức khỏe thể chất và tinh thần rất lớn.
Bên cạnh đó, Thành phố chăm sóc, nuôi dưỡng 3.080 đối tượng bảo trợ xã hội (người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác) tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Các Trung tâm nuôi dưỡng người có công của Thành phố đã phối hợp các quận, huyện, thị xã đón và thực hiện điều dưỡng tập trung đối với 2.883 lượt người có công và thân nhân với kinh phí gần 11 tỷ đồng. Tính chung 10 tháng của năm 2024, Hà Nội thực hiện điều dưỡng tập trung trên 18,4 nghìn lượt người, với tổng kinh phí trên 81,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội quan tâm đào tạo nghề, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp.
Chỉ trong tháng 10/2024, Thành phố giải quyết việc làm cho hơn 17,5 nghìn lao động, trong đó 1,3 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Hà Nội ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 104 tỷ đồng.
Tính chung 10 tháng của năm 2024, thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho 196,3 nghìn lao động, đạt 118,9% kế hoạch năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023; quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 64,5 nghìn người với số tiền hỗ trợ 1.978 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ học nghề để tìm việc mới cho hơn 9.000 người với số tiền 3,7 tỷ đồng.
Các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 226,5 nghìn lượt người. Thông qua việc đào tạo nghề hằng năm, người lao động đã có cơ hội tìm việc làm và đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Thành phố cũng quan tâm chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2024, bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,5% dân số; tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 45% số người trong độ tuổi lao động. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 2,5%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 40% lực lượng lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến cuối tháng 10/2024, tổng số tiền thu từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 55,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 60,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, toàn Thành phố vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 33,7 tỷ đồng, đạt 147,6% kế hoạch; tặng 1.734 sổ tiết kiệm "Tình nghĩa" với kinh phí gần 5,4 tỷ đồng, đạt 139,3% so với kế hoạch, trung bình 3,1 triệu đồng/sổ tiết kiệm.
Thành phố và các quận, huyện, xã, phường vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 159 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí trên 6,5 tỷ đồng đạt 119,5% kế hoạch. 57 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng. Đối tượng người có công, cá nhân, tập thể tiêu biểu được nhận 299.553 suất quà với số tiền trên 237,8 tỷ đồng...
Diệu Anh