An toàn lao động tại làng nghề: Cần giải pháp thiết thực

10/05/2023 7:36 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng các ngành nghề. Làng nghề đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hàng triệu lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, một số làng nghề luôn đối diện với nguy cơ cao mất an toàn lao động.

An toàn lao động tại làng nghề: Cần giải pháp thiết thực - Ảnh 1.

Cần nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh tai nạn lao động. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Vẫn xảy ra các vụ mất an toàn lao động

Hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 56% số làng ở khu vực nông thôn. Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất với khoảng 700.000 lao động thường xuyên chiếm 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên toàn Thành phố.

Tuy nhiên, điều kiện lao động ở các làng nghề đều chưa đạt tiêu chuẩn như độ ồn, ánh sáng, độ rung, độ ẩm, nhiệt độ cao. Các nguy cơ mà người lao động tiếp xúc ở tỷ lệ cao: 95% tiếp xúc với bụi, 85,9% tiếp xúc với nhiệt, 59,6% tiếp xúc với hóa chất…

Làng nghề gỗ Vạn Điểm (Thường Tín) thu hút gần 80% số hộ với hàng chục nghìn lao động trên địa bàn. Nghề gỗ mang lại thu nhập ổn định cho người dân nhưng khó tránh khỏi mất an toàn vệ sinh lao động. Vì thế, hằng năm, các cơ sở, nhà xưởng sản xuất đồ gỗ trên địa bàn vẫn xảy ra tai nạn lao động.

Hay như tại làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) - làng gây "ấn tượng" với nhiều người bởi có tên khá chua xót "Làng cụt ngón" - do tai nạn lao động khiến rất nhiều người làng nghề bị mất ngón tay, bàn tay... Được biết, cả xã có hơn 2.300 hộ làm nghề (chiếm 90% tổng số hộ), trung bình mỗi tháng có 5 trường hợp tai nạn lao động: Nát ngón tay, đứt tay... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng và tốn kém chi phí điều trị.

Nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) đã và đang là công việc đưa lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, người lao động vẫn luôn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn lao động. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi khói bụi nơi làm việc, những nguy cơ về đứt chân, đứt tay cũng luôn "rình rập" người lao động từng phút, từng giờ.

Cần nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ Hoàng Quốc Chính cho biết, hằng năm, chính quyền phường, quận đã phối hợp với Hiệp hội mở các lớp tập huấn trao đổi kiến thức về an toàn lao động cho người dân như tư vấn tư thế làm việc, sắp xếp dụng cụ lao động bảo đảm an toàn… để hạn chế tối đa nhất nguy cơ mất an toàn lao động.

Theo ông Nguyễn Duy Trường, Chủ tịch Hội làng nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức trên địa bàn xã Phùng Xá vẫn xảy ra các vụ mất an toàn lao động, tuy nhiên phần lớn là những lỗi do sai sót trong quy trình sản xuất, vận hành máy móc, may mắn các vụ tai nạn đa phần không quá nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động.

Hàng năm phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động. Đối với các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn đa phần thường tuân thủ và có đầy đủ các chứng chỉ về an toàn lao động, các hệ thống máy sản xuất có chứng chỉ vận hành và kiểm định về an toàn, tuy nhiên tại các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, họ thường để máy sản xuất trong nhà do đó gặp khó khăn trong việc kiểm tra cũng như phổ biến các quy định về an toàn.

Theo đó cần tuyên truyền để người lao động nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh tai nạn bằng những biện pháp hỗ trợ cần thiết. Đặc biệt, phải làm sao để người lao động hiểu rõ quyền lợi khi yêu cầu chủ cơ sở thực hiện điều kiện pháp lý cần thiết, như: Cùng ký hợp đồng lao động kèm các điều khoản cam kết bảo đảm an toàn lao động, môi trường làm việc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động…

Có thể nói, an toàn lao động tại các làng nghề, vùng nông thôn hiện nay cần được quan tâm từ nhiều phía. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết vẫn là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở thực hiện đúng những quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành.

Diệu Anh

Top